07:43, 04/01/2011 |
Trước đây hai chục năm, anh Phan Cẩm Thượng dẫn tôi lượn qua mấy tủ kính bày đồ cổ ta ở quanh mấy phố Hà Nội, mua được một "mớ" cả chục cái bát đĩa Lý, Trần, Lê tuyệt đẹp mà chỉ mất chưa hết một tháng lương.
Ông Phạm Văn Bổng đến nhà chơi xin vài trang bản thảo viết tay và "đổi" cho tôi năm bảy món đồ Đông Sơn bằng đá đen, đá trắng cùng mấy mũi tên đồng Cổ Loa. Tôi cứ ngơ ngẩn vài ngày với các thứ đồ cổ đó, như người lần đầu hút thuốc phiện mấy ngày sau còn nhớ mùi ngây ngây. Biết có nguy cơ nghiện và say đồ cổ, một thứ khó mà dứt ra được, nên tôi không dám học chơi. Mấy năm trước ra Hà Nội gặp hai hoạ sĩ trẻ tuổi hơn. Một anh khoe mấy năm đi săn đồ cổ, nay có cả một sưu tập đồ sộ đáng làm một bảo tàng. Anh kia dẫn về nhà bên Ái Mộ cho xem những món được in trong các tạp chí Đồ cổ và khoe đó là những "quốc bảo". Đến thăm một bạn hoạ sĩ già ở TPHCM tôi thấy cả chục tượng đồng Khmer và Trung Hoa thời Ân-Thương tuyệt đẹp. Một hoạ sĩ khác thì nhà kín từ sàn lên trần là các tủ kính bày đồ gốm, nhiều nhất là các đồ vẽ cá, chủ đề chính mà anh sưu tầm. Tạp chí Văn hoá Phật giáo khoe một hoạ sĩ có nguyên "cả một ngôi chùa trong nhà" mình với vài chục pho tượng sơn son thếp vàng. Một báo khác khoe ảnh một anh dùng máy dò kim loại đang săn đồ cổ trên cánh đồng. Anh này từng trúng nhiều mẻ lớn, có cả những trống đồng mà dân săn gọi trại đi là "nồi nấu bánh chưng"! Đã có những vụ lừa đảo bán đồ giả lên tới 200.000USD. Rất nhiều di tích văn hoá kêu mất tranh tượng, đồ cổ nhưng hầu như không có thông báo về việc điều tra và hầu như không bao giờ tìm lại được vật bị đánh cắp. Các đại gia thường giấu mặt giấu tên. Có một nhà sưu tầm "khét tiếng" ở miền Tây Nam Bộ khoe có cả "Bình rượu của vua Đường, chạm trổ cảnh lễ hội của người Ba Tư" và "Bộ ngọc lễ khí... vô giá có cách nay 3000-4000 năm". Mấy năm qua, ngành khảo cổ biển phát triển nhờ thành công trục vớt các tàu cổ đắm ngoài khơi. Nhưng cũng kêu bị thất thoát nhiều và bán bị hớ. Tại bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ có món đồ gốm Việt Nam đắt giá nhất: 24-25 triệu USD... Một xu hướng sưu tầm gìn giữ cổ vật đáng quý là sưu tầm các đồ dân dụng, gia dụng mang tính dân tộc học, địa phương học như đồ dùng nông nghiệp, nông thôn, đồ của làng nghề, đồ thông dụng của một thời nào đó. Không rõ luật đồ cổ ở nước ta ra sao nhưng nhìn cảnh đào bới chui, mua bán chui, tiêu thụ tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp từ các chùa chiền, đình miếu và số lượng khổng lồ của đồ cổ, có thể thấy VN đang là thị trường tiềm năng, một mảnh đất màu mỡ cho các tay buôn quốc tế vơ vét (trong khi ở nhiều nước lân cận đã bị cạn kiệt). Đồ cổ là một phần di sản vật thể đáng quý nhất của một dân tộc, một nền văn hoá. Chơi đồ cổ là một thú chơi tinh vi, kỳ công và đắt giá nhất ở hầu hết các quốc gia. Thị trường đồ cổ là một thị trường khổng lồ đầy bí ẩn. Nhiều vụ mất cắp hay tước đoạt đồ cổ đã trở thành các vụ kiện quốc tế giữa các quốc gia. Chảy máu đồ cổ là tai nạn của tất cả các nước nghèo. Tất nhiên dòng đồ cổ chảy về các nước giàu, có mức văn hoá cao hơn. Các nhà sưu tầm ở các nước giàu bị lên án là những kẻ "tàn sát" huỷ hoại di sản của các nước nghèo. Họ làm được điều đó vì thị trường nội địa không phát triển lành mạnh. Luật lệ không được củng cố. Mở đầu một bản tin thời sự chính của TV Đức là tin mất tranh cổ ở một bảo tàng tư nhân ở Thuỵ Sĩ. Hơn 70% dân cư đô thị Italia nói mong muốn đầu tiên của họ là thành phố của mình có thêm một bảo tàng. Sẽ tới lúc dân VN ta cũng muốn biết và làm như vậy, nhưng tới lúc đó thì đồ cổ đã mất gần sạch! Vậy mà từ chính quyền tới truyền thông và dân chúng đều còn rất thờ ơ với hiểm hoạ văn hoá này. Các nhà chơi đồ cổ nước ta cần phải liên hiệp lại, xây dựng thị trường nội địa vững mạnh mới mong cứu vãn tình hình. Thực cảnh, môi trường "ngoạn cổ" hỗn độn, "vô chính phủ" ở nước ta làm ai có lòng với văn hoá nước nhà cũng phải đau lòng. Cuộc Sống Việt _ Theo docoviet.ne |