Chỉ với chiếc máy dò kim loại, mấy cái cuốc, xẻng , chúng tôi lang bạt về các vùng quê phía Bắc, từ những khu gò cao vắng vẻ, những thửa ruộng đậu tương đông mơn mởn đến những cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa gặt hái. Mỗi chuyến đi, “thợ săn” đều tràn trề hi vọng đào được những đồ đồng cổ trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đang nằm sâu dưới ba tấc đất...
Một buổi đi săn Trên cánh đồng trơ gốc rạ, nứt trắng chân chim, mấy bóng người lầm lụi cầm máy dò quơ qua, lượn lại. Bỗng tiếng tu tu phát ra từ chiếc máy dò, mắt người thợ sáng rực lên. Tay chỉnh một chiếc núm nhỏ trên hộp điều khiển, kim đồng hồ của máy liền tụt xuống cực âm. Một tiếng kêu nho nhỏ vang lên. “Đồ đồng!”. Hướng cần máy về phía có tín hiệu một vòng để xác định tâm đồ, những nhát cuốc xắn xuống một cách đầy thận trọng. Lớp đất gan gà trên mặt bị khoét dần, lộ ra một lớp đất khác xốp, xậm màu hơn. Người thợ đưa tay sờ nhẹ, rồi móc lên được một con qua (câu liêm) bằng đồng cùng một mũi giáo đã rỉ sét. “Được triệu bạc thôi”. Anh nói, mặt không chút biểu cảm... Đang dò tiếp bỗng có cuộc điện thoại từ “vệ tinh” ở Xuân Mai báo: “Anh mang máy đến nhà em ngay, mới tát cạn ao thấy cái am, biết đâu có của”. Ông Hiệp-một tay buôn đồ cổ có hạng ở Thanh Oai (Hà Tây)-trưởng nhóm đi săn hôm đó bảo tôi: “Ngày xưa quan lại Tàu thống trị ở Việt Nam, thuế má rồi lễ, tết vơ vét được rất nhiều của cải. Hồi đó làm gì có ô tô, tàu bay, tàu bò như giờ, hết khóa làm quan chỉ có đi ngựa về nước. Đằng đẵng cả tháng trời qua những vùng hoang vu rất dễ bị cướp nên họ chỉ dám mang ít đồ theo còn lại làm am (mộ giả) để giấu của, mang về dần. Có khi am còn tìm thấy cả cốt của những thiếu nữ còn trinh bị chôn theo làm thần giữ của. Các đời Hán, Lý, Trần đều làm am như vậy nhưng thời Lý, Trần am thường có của nả nhiều, còn thời Hán chỉ có đồ tùy táng là những vật dụng sinh hoạt. Am thường có những đồ đẹp nhưng có khi đào am lên chẳng có gì quý bởi xưa cũng như nay đều có những ông học đòi, thấy người phú quý làm am chôn cất cũng bắt chước mà chẳng có đồ giá trị để táng theo...” Cú vớ bẫm của bố con nông dân Giới săn đồ cổ như ông Hiệp chỉ đi vào mấy tháng mùa khô, Tết ra buôn bán nhì nhằng hoặc ngồi lê la tổ tôm, hết tiền lại đi làm xu (dò đồng xu cổ) trên rừng. Ông Hiệp bảo: “Đi săn đồ nhọc nhằn thế chỉ mong cái “chày”, cái “chưởng” (chày, chưởng là tiếng lóng để chỉ mỗi khi đào được món đồ gì có giá trị hoặc mua được một món hời, lãi to-PV)”. Đồ nghề cho cuộc săn cũng khá gọn nhẹ gồm một chiếc máy dò kim loại của Tàu trị giá cỡ 5 triệu, một chiếc bao tải trong đó bọc kín mấy cái cuốc, xẻng loại cán ngắn. Đến bữa đã có quán ăn, ngả đâu cũng là nhà trọ, sinh hoạt khá dư dả. Ông Hiệp kể: “Nhiều khi đi cả tháng hết mấy triệu mà chưa "dính" đồ bởi nghề này cũng như đi câu, dính cá lớn, ấm no đến vài năm. Tháng rưỡi nay, nhóm tao vẫn “móm” chưa moi được đồ gì ra hồn mà chỉ vài mũi tên, mũi giáo được già triệu bạc mà vẫn vô tư”. Dân săn đồ thường hay bị đuổi mặc dù để tránh tò mò họ chỉ bảo đi dò đồng nát, kiếm được hàng kỹ (hàng khắc hoa văn đẹp, đắt tiền) cũng không dám săm soi, vớ được trống đồng phải gọi chệch đi thành cái...nồi nấu bánh chưng của người xưa... Không phải chính quyền đuổi mà dân làng thấy người lạ đến dò trên ruộng, ngứa...mắt ra đuổi. Nhóm ông Hiệp đã từng phải vác máy chạy ở Hòa Mạc (Duy Tiên, Hà Nam) khi đang dò trên ruộng của bố con ông nông dân nọ. Chính thế mà mỗi vùng khi vác máy đến đều phải cậy nhờ một “thổ công” ra ngồi hút thuốc lá, thuốc lào vặt trên bờ ruộng rồi trả ít tiền để tránh đang làm mà bị đuổi bất thình lình. Đất có thổ công, sông có hà bá. Bố con ông nông dân ở Hòa Mạc sau một thời gian làm thổ công như vậy đã “có sừng, có mỏ”, tách ra, sắm máy làm ăn riêng. Không ai ngờ, trúng đậm. Năm đầu tiên dò được một cái hàng hiếm bán hơn 100 triệu, năm sau trúng luôn chiếc nồi hàng kỹ (trống đồng đẹp) bán hớ cũng thu về 400 triệu nữa. Không ít nhóm săn đồ cổ xuất phát từ những anh nông dân như vậy mà tiêu biểu là xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Tây) có đến gần chục máy dò. Ông Hiệp trầm ngâm: “Tao đi làm đồ đồng mãi càng ngẫm càng thấy thời trang là sự quay trở lại, ngày nay hầu như toàn chế những đồ tương tự như trước mà lại không tinh xảo bằng. Ngày xưa có đủ từ mũ mão, dây lưng, trâm cài đầu, dao đồng chạm hình đầu người... đặc biệt có cả những thứ anh em ta mới nghe lần đầu như khóa vòng trinh (là một cái đai bằng đồng cho phụ nữ đeo lúc vắng chồng, trên đó khoét 2 lỗ cho đại, tiểu tiện), dao ...hoạn dành để hoạn quan, xích hàm nô lệ, móng ngựa...lắc kê vàng (phủ vàng). Đồ tướng hoa văn đẹp, đồ lính không có hoa văn. Đồ tướng nhiều khi rất cầu kỳ, chuôi dao cũng khắc chạm tinh xảo, tấm hộ tâm (miếng chắn bằng đồng che ngực để tránh bị đả thương), bao tay, móc cài áo giáp... rồi ngay cả ngựa chùm lục lạc cũng có hoa văn, cũng đủ hình vẽ vời. Tướng đánh nhau rung chuyển đất trời ấy chứ. Đồ lính cũng có bộ tâm, dao, kiếm như thế nhưng bao giờ cũng kém giá trị cả chục lần so với đồ tướng.Thử tưởng tượng, những hiện vật ngủ yên dưới đất cả vài ngàn năm bỗng được phát hiện thì thú vị thế nào? Giờ của hiếm, người đông nên đổ cổ càng được giới sành điệu lắm tiền, nhiều của săn lùng. Chơi đồ, buôn đồ có tiếng nhất là dân Hà Nội và Thanh Hóa. Ông Hiệp kể: “Cái thằng chủ vũ trường Niu gì gì ở Hà Nội ấy chơi đồ vào hạng khủng, bộ dao hình đầu người cả chục con của nó trị giá tiền tỉ đấy. Hay có cô giáo cấp 2 cũng ở Hà Nội chuyên chơi bình vôi độc, mỗi cái cũng cả chục triệu đồng, có bao nhiêu cũng đòi mua bằng sạch...”. Phần đa giới chơi đồ kiêm luôn buôn bán. Đồ hiếm, đồ đẹp lòng vòng qua nhiều chủ rồi tìm đường sang Trung Quốc qua những đường dây buôn lậu. Kỹ xảo đồ cổ  | “Chơi vũ khí đồng cổ bây giờ là mốt nhất. Có đủ loại vũ khí như rìu (cận chiến), mũi giáo (cận chiến), mũi qua hay còn gọi là câu liêm (cận chiến), dao (cận chiến) mũi lao, mũi tên đồng (xa chiến)... Mỗi khi chiêm ngưỡng chúng, tôi có cảm tưởng như được tham dự những trận chiến khốc liệt thời xa xưa. Kìa là tiếng thanh la, chũm chọe, nọ là cờ xí, cờ phướn ngập trời. Tiếng trống trận rầm rầm uy liệt, tiếng quân hô sang sảng huy hoàng. Kẻ cưỡi ngựa cầm qua câu cổ giặc, người chạy bộ phóng lao trả thù nhà. Vũ khí đập nhau chan chát, tên đồng bay chiu chíu... Sau trận đánh, chiến trường vắng lặng, thoảng có tiếng hí cuồng của những con ngựa mất chủ chạy vô phương hướng...”-Lời một người chơi đồ cổ. | Năn nỉ mãi, tôi mới được ông Hiệp cho bám càng đi săn đồ cổ. Điểm đến lần này là khu di chỉ mộ thuyền ở cánh đồng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây). Tôi được Sáng-một thợ săn có hạng cho phép được cầm máy dò. Chiếc máy khá nhẹ nhưng cầm một lúc cũng mỏi. Điều đặc biệt, máy bắt sóng rất nhạy. Đang phăm phăm đi trên những ruộng xanh ngập đậu tương chiếc máy bỗng kêu tút tút rất to. Sướng rơn người, tôi hướng cần máy ra, tiếng kêu càng lúc càng to. Đúng tâm đồ rồi, tôi cười hể hả nhưng nụ cười bỗng tắt lịm bởi nhìn kỹ dưới cần máy chỉ là một chiếc vỏ thuốc trừ sâu có tráng lớp thiếc. Sáng cười: “Lúc đầu tôi cũng như chú em thôi, cứ thấy máy kêu là băm bổ cuốc, đào, rã rời chân tay mà chỉ được toàn đồng nát. Giờ có kinh nghiệm rồi nên không phải cứ thấy kêu là đào. Máy dò có mấy cái nút trên hộp, cứ kêu mình lại chỉnh. Nếu chỉnh rồi mà kim trên máy tụt xuống âm là đồ đồng còn cứ dương thẳng lên là đồ tạp, duy có cánh tên lửa, bom chất liệu khác nên máy bắt hệt tín hiệu đồ đồng. Đào cả tiếng, moi đất lên thấy “ten màu” xanh lét tưởng đồ quý hiếm hóa ra toàn bom chưa nổ. Sợ vã cả mồ hôi !”. Sáng dạy tôi cách phân biệt đồ. “Đồ đồng có 3 ten (màu men) tùy từng loại đất. Ten bóng lộn như gương gọi là ten gương, ten màu xanh gọi là ten xanh và ten rẻ nhất là ten sắt, sần sùi như rỉ sắt. Đồ quý tùy thuộc hoa văn và độ nguyên lành. Cả ngàn năm dưới đất mà lành mới hiếm, được cả lành cả hoa văn, ten đẹp nữa thì...khỏi nói. Có những thứ rất có giá như dao khắc hình đầu người, bình lọ có hình giao long, tượng, gương khắc họa tiết, nậm rượu Càn Long...giá cả trăm triệu. Nhưng đắt nhất, đẹp nhất vẫn là trống đồng hàng kỹ thuật. Trống đồng thường có ít hoa văn, giá chỉ một hai trăm triệu nhưng trống kỹ thuật có đủ hoa văn như hình thuyền, hình cóc, hình giã gạo...trị giá tiền tỉ. Chính vì đồ đồng có giá trị thế nên hay bị làm giả. Dân mới vào nghề, lớ ngớ dễ dính quả đắng như chơi. Ông Lý xu- một chuyên gia tiền xu kể: “Mình tin người nhà nó đào được nên mới mua mấy triệu một đồng xu cổ. Tiền xu vẫn là tiền thật, trời tối không nhìn rõ chỉ sờ biết thế rồi móc tiền ra trả.Ai ngờ đem về soi đèn mới biết đồng nọ mài dán vào đồng kia, đem trả nó còn gân cổ cãi. “Rồi, mày cứ đốt đi, nếu nó không rời ra tao trả mày 1,7 triệu nữa, còn rời ra, mày cho tao xin lại tiền” .Tao bảo thế rồi dí bật lửa vào, keo nóng chảy ra, đồng xu tách thành hai mảnh, cu cậu mới hay mình cũng bị...lừa”. Cú lừa ấy chẳng thấm vào đâu so với những ngón nghề độc chiêu hơn. Sáng kể: “Có ông họa sĩ nọ mua được cái tượng cổ với giá trên 60 triệu, về nhà cầm cái bút lông phẩy phẩy ở cổ tượng để vệ sinh bỗng bắn ra mấy cái bụi màu vàng. Lão ấy tưởng...bằng vàng thật nên càng phẩy hăng, sau mới biết bụi vàng ấy bay ra từ cái chữ sơn son, thếp vàng trên cái bút lông. Thất vọng chưa hết vì vàng hụt, khi bức tượng bay hết bụi, lộ ra màu đồ giả. Giờ kỹ thuật làm giả đạt đến mức thượng thừa, bọn nó còn gom những đồng xu cổ hoặc đồng vụn cùng niên đại ra nghiền bột rồi chế khuôn, ép thủy lực thành trống đồng, hoa văn i xì phoóc. Xem xét hoa văn, thử cả bằng máy (đo phóng xạ các bon?) thấy đúng tuổi, xỉa tiền tỉ ra mua nhưng lúc đem đi bán mới biết xơi vào của giả. Của giả ấy chỉ người cực sành sỏi mới biết hoặc phải khoan một lỗ trên thân trống mới hay, mà trống đã khoan... cũng mất giá trị”. Vì muốn giữ bí mật những người đã cho tôi theo săn đồ cổ, trong bài tôi đã không nêu tên thật họ... Theo lời họ kể, lai lịch của nghề săn đồ cổ xuất phát từ dân Quảng Bình. Những người này khi mở rộng địa bàn ra phía Bắc đã thuê dân bản địa đi dò tìm đồ cổ. Dần dà, học mót được ít nghề, chính dân Bắc lại tách ra làm ăn riêng nhưng do non kinh nghiệm vẫn phải thuê thợ miền Trung. Không ít chuyện cười ra nước mắt vì "chủ Bắc, thợ Trung" . Thợ dò có nghề hơn chủ nên khi bắt được tín hiệu đồ giả vờ không biết, không đào mà kín đáo đánh dấu để đêm lén ra...đào trộm rồi lặng lẽ cao chạy, xa bay. Có những ông chủ đã mất cả trăm triệu vì những phi vụ như vậy nên giờ giới săn đồ cổ thường chỉ đi theo nhóm miền Bắc, miền Trung chứ ít khi dùng người khác miền. | Cuộc Sống Việt _ Theo nongnghiep.v |