Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Kỳ 2: Những nỗi ám ảnh màu da cam...
15:58, 02/11/2010
- Một cô gái sinh ra đã sớm chịu cảnh tật nguyền. Tuổi thơ của cô phải chịu nhiều nỗi ám ảnh. Cả gia đình cô cũng phải gánh chịu những đau thương, mất mát. Tất cả chỉ vì thứ chất độc hóa học có tên gọi dioxin. Cô là Heather, con gái của binh nhì William A. Morris, người đã từng tham chiến tại Việt Nam và đóng quân ở căn cứ Long Bình (TP. Biên Hòa)...

* Tuổi thơ bất hạnh

 

Năm 1967, binh nhì William A. Morris cùng với trung đội rời căn cứ quân sự ở Mỹ, đặt chân vào chuyến hành trình số phận của mình. Nơi anh đến, có cái tên xa lạ: Việt Nam. Sau nhiều lần chuyển quân, cuối năm 1967, anh được điều về đóng ở Tổng kho Long Bình, không phải trực tiếp ra chiến trường. Anh không thích chiến tranh, anh chỉ muốn trở thành thợ cơ khí như cha, như ông nội của anh ở quê nhà. William A. Morris không ngờ rằng một số phận khác đang chờ đợi mình...

 



Năm 1970, William được giải ngũ và trở về Mỹ. Anh xin vào làm việc ở nhà máy thép, thực hiện ước muốn trở thành công nhân cơ khí. Một năm sau, anh kết hôn với Sharon, cô bạn gái thời trung học đã chờ đợi suốt thời gian anh nhập ngũ. Cuộc sống của họ giản đơn, nhưng đầy hạnh phúc. Năm 1972, bé gái Heather Morris ra đời.

 

Ngay khi con gái vừa lọt lòng, cả hai vợ chồng William đã cảm thấy điều bất ổn: Heather Morris không có chân phải, thiếu mất 3 ngón giữa của bàn tay trái và 2 ngón giữa của bàn tay phải. Không may bị tật nguyền, nhưng bù lại Heather Morris xinh xắn, ngoan ngoãn như một thiên thần nhỏ. Nhưng nỗi bất hạnh của họ chưa dừng lại ở đó. 2 năm sau, bà Sharon lại sinh con, đứa bé cũng có tật, rất yếu ớt và chỉ sống được có vài tiếng đồng hồ. Liên tiếp 2 lần sau đó, những đứa trẻ nhà Morris đều bị sinh non, khiếm khuyết cơ thể và không sống được. "Mỗi lần mẹ mang thai, cả nhà vừa sống trong hy vọng, lại vừa hồi hộp, lo lắng. Chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều, nhưng phép lạ đã không xảy ra với chúng tôi. Chúng tôi biết rằng có một điều gì đó không bình thường trong gia đình mình, bởi vì cả gia đình hai bên nội, ngoại đều khỏe mạnh, không ai có vấn đề gì. Cha mẹ tôi đã rất đau khổ vì chuyện này, nhất là cha tôi, vì ông biết rằng mình bị nhiễm thứ chất độc gì đó trong thời gian ở chiến trường Việt Nam" - Heather Morris nhớ lại.

 

Bị tật nguyền, tuổi thơ của Heather Morris rất khó khăn. Tới tuổi biết đi, Heather Morris không thể tập đi, lớn lên chút nữa, cô cũng không thể chạy nhảy, nô đùa như những đứa trẻ khác. Gia đình Morris cũng chỉ là công nhân bình thường, không chịu nổi chi phí lắp chân giả cho bé vì phải thay chân giả liên tục theo từng giai đoạn phát triển. May mà có những tổ chức từ thiện đứng ra hỗ trợ cho Heather Morris. Đến tuổi đi học, Heather luôn bị bọn trẻ con trong trường trêu chọc, thậm chí có đứa còn ác ý giả vờ xô ngã cô bé để làm trò cười. Những lúc như thế, Heather chỉ biết trốn vào một góc ngồi khóc cho đến lúc cha tìm ra cô bé. Tình yêu của cha đã giúp cô bé vượt qua nỗi buồn, tiếp tục đến trường, ngày ngày dũng cảm đối mặt với thực tế cuộc sống. Với cha mẹ, Heather là thiên thần mang lại niềm vui, còn với Heather, cha mẹ là đôi cánh đại bàng vững chãi che chở, bảo vệ cho cô. Gia đình Morris càng yêu thương, gắn bó nhau hơn để cùng dựa vào nhau vượt qua nghịch cảnh.

 

Nhưng bất hạnh vẫn chất chồng lên gia đình vốn nhiều mất mát ấy. Một ngày mùa đông năm 1985, William Morris qua đời ở tuổi 38. Mất mát ấy đối với cô bé Heather là quá lớn. Nhìn mẹ quá đau khổ, cô bé 13 tuổi đã quyết định sẽ sống tự lực, vui vẻ để mẹ không phải lo lắng và để chính mình sẽ trở thành chỗ dựa cho mẹ...

 

* Cất lên tiếng nói

 

Sau khi William mất, gia đình Morris rất khó khăn. Chính phủ Mỹ lúc ấy chỉ trợ cấp cho con của cựu nữ quân nhân bị bệnh tật, còn con của nam quân nhân thì không được hưởng chế độ này. Cũng trong thời gian này, dư luận ở Mỹ bắt đầu lên tiếng đòi Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về những cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam, nhưng phong trào chỉ rải rác và manh mún nên chưa có tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt. Heather đã biết nguyên nhân bất hạnh của gia đình mình, đó chính là chất độc dioxin mà cha cô đã nhiễm phải trong thời gian đóng quân ở Tổng kho Long Bình (Biên Hòa). Cô biết nhưng bất lực.

 

Heather Morris quen Aaron R. Bowser ở trường trung học. "Cô ấy quả là một người rất đặc biệt. Dù phải mang chân giả, sinh hoạt bất tiện, nhưng cô ấy rất nghị lực. Heather siêng năng, chăm chỉ, tham gia hầu hết các hoạt động thể thao, ngoại khóa ở trường. Ở Heather lúc nào cũng toát lên tinh thần lạc quan yêu đời, biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với mọi người. Heather là người nổi bật ở trường, được nhiều bạn bè quý mến. Người như thế, làm sao tôi không yêu cho được?", Aaron R. Bowser âu yếm nói về Heather Morris như thế khi trao đổi với chúng tôi.

 

Kết hôn với nhau, dù họ rất yêu thương và hạnh phúc bên nhau, nhưng suốt cả thời gian dài Heather Morris Bowser đã không dám sinh con. Hình ảnh những đứa bé tật nguyền, sinh non, rồi chết yểu cứ ám ảnh trong tâm trí của Heather khiến cô vô cùng sợ hãi. Cô lo rằng những đứa bé do mình sinh ra cũng phải chịu cảnh ấy. Mãi đến 8 năm sau, Heather mới dám sinh con. Cậu bé Luke Bowser sinh ra lành lặn khiến đôi vợ chồng trẻ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng so với trẻ cùng trang lứa, Luke vẫn chậm phát triển hơn, điều này càng thấy rõ hơn khi Luke đi học. 5 năm sau, bé Owen Bowser ra đời cũng thế. "Dù đã giảm bớt, nhưng tôi tin rằng chất độc dioxin đã ít nhiều tác hại đến các con của tôi - thế hệ thứ 3 của những nạn nhân dioxin" - Heather nói.

Bay qua nửa vòng trái đất, Heather Bowser mới biết rằng ở Việt Nam có rất nhiều người cũng là nạn nhân chất độc da cam như mình. Họ đã gặp nhau, đã trở thành bằng chứng sống về tác hại của chất độc hóa học dioxin lên con người như thế nào. Và thế hệ thứ 2 của những nạn nhân chất độc da cam đã lên tiếng...

 

Heather tiếp tục tìm hiểu về dioxin, thứ chất độc đã hủy hoại những người cô yêu thương. Lên mạng xem bộ phim "Chất độc da cam: lời nguyện cầu riêng tư", Heather đã khóc rất nhiều vì biết rằng còn những gia đình khác cũng đau khổ, mất mát như mình. Làm sao để thế giới biết được và ngăn chặn điều đó? Cô quyết định gửi email cho Masako Sakata, người thực hiện bộ phim trên để bày tỏ suy nghĩ của mình. Từ Nhật Bản, Masako Sakata đã bay sang Mỹ gặp cô. Họ bàn bạc và quyết định cùng nhau thực hiện bộ phim thứ hai về những nạn nhân chất độc da cam. Và điểm đến đầu tiên là nơi mà chồng, cha của họ đã từng đến, cũng là nơi mà con người gánh chịu hậu quả của chất độc hóa học nhiều nhất trong chiến tranh: Việt Nam.

 

Thanh Thúy

Tin liên quan: Hành trình của những số phận da cam
»  Kỳ 1: Cái chết không phải là chấm dứt...

Nguồn Đồng Nai Online

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới