Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Từ Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ nghĩ về sự ưu đãi đối với người khuyết tật
21:48, 08/12/2010

Ngày 24-4-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người lao động là người khuyết tật. Trong Điều 2 của Quyết định này ghi rõ chính sách hỗ trợ như sau:

"1. Ưu đãi về thuế: cơ sở kinh doanh quy định tại Điều 1 Quyết định này được:

a) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng đối với hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu (trừ xuất khẩu mặt hàng dệt, may không được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2011 .

b) Miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước. Trong thời gian được miễn tiền thu sử dụng đất, cơ sở kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh liên kết bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Ưu đãi về vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội như sau:

a) Điều kiện được vay:

- Các cơ sở kinh doanh có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người tàn tật và thu hút thêm người tàn tật vào làm việc;

- Thực hiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

b) Lãi suất cho vay: bằng 50% mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng khác vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn.

c) Mức vốn cho vay: được vay phần vốn còn thiếu của dự án đầu tư, sản xuất sau khi cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác, mức vốn vay tối đa cho một dự án căn cứ vào số lao động là người tàn tật được thu hút vào dự án và không quá 30 triệu đồng/một lao động thu hút.

d) Thời hạn vay vốn: thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội."

Từ tháng 4-2008 đến nay, thời gian đã đi qua hai năm, bảy tháng. Thế nhưng, những nội dung ghi trong Quyết định này đã đi vào đời sống một cách chậm chạp và nhỏ giọt, thậm chí, có nơi hầu như không vận dụng một trường hợp nào.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của người tàn tật nêu câu hỏi: Cơ chế thị trường và chính sách ưu đãi đã được phân biệt rạch ròi nhưng vì sao tư duy thị trường vẫn khống chế những ưu đãi đối với những đối tượng nằm trong diện chi phối của chính sách?

 

Cần nhìn nhận con số 51% số lao động là người tàn tật như thế nào?

Điều 1 của Quyết định 51 có ghi: "Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật (sau đây gọi chung là cơ sở kinh doanh) được áp dụng chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định này bao gồm: các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật." Về nguyên tắc, mọi ưu đãi phải thực hiện theo quy định đó là hoàn toàn đúng. Nhưng trong đời sống thực tế, nếu chỉ nhìn "bất động" theo quy định đó và áp dụng "khô cứng" ở mọi doanh nghiệp thì khả năng được ưu đãi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NTT là rất ít. Nếu trong một doanh nghiệp chỉ có một số lao động là NTT được bố trí ở những việc phù hợp với từng dạng tật như: vi tính, kế toán, bảo vệ… việc sắp xếp phương tiện đi lại đã phải đồng bộ thay đổi để tạo điều kiện cho họ tiếp cận. Doanh nghiệp có lao động là NTT thường phải bố trí công việc xen kẽ với lao động khỏe, không tàn tật để có điều kiện hỗ trợ NTT khi bệnh phát sinh nhằm duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Chỉ với số ít, sự bố trí đã khó. Với số nhiều NTT trong một doanh nghiệp sự bố trí công việc càng phức tạp, đòi hỏi rất khoa học, từ chỗ làm việc đến các điều kiện sinh hoạt khác. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, hiệu quả kinh tế đều nhìn ở góc độc lỗ hay lãi thì người đứng đầu doanh nghiệp đều phải tính toán kỹ về mọi phương diện nhằm mục đích tối thiểu là không được lỗ vốn để tiến lên có lãi thì mới đảm bảo đời sống cho người lao động. Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, các đơn vị thực thi chính sách ưu đãi nắm vững thực tế hoạt động của các doanh nghiệp có lao động là NTT thì mới thông cảm với khó khăn của người đứng đầu doanh nghiệp, từ đó có cách giải quyết phù hợp thì mới mang được sự ưu đãi trong chính sách của Nhà nước đến với NTT.

Ngày 7-9-2010, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố "Luật người khuyết tật" và Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Điều 34, Chương V của "Luật người khuyết tật" quy đinh rõ: "Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp." Khi quy định tỷ lệ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, sẽ được hỗ trợ ưu đãi về các mặt, chứng tỏ Nhà nước đã nhìn rõ khó khăn của doanh nghiệp có đông NKT làm việc. Vấn đề là các cơ quan chức năng và những cán bộ thực thi Chính sách để đưa sự ưu đãi đến với doanh nghiệp như thế nào mới là điều mà NKT mong đợi.

Thực chất ba vấn đề ưu đãi bị ách tắc ở chỗ nào?

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thương binh và NKT đều mang tính chất đặc thù trong sự vận hành của hệ thống kinh tế - xã hội trong cả nước. Vì vậy, Nhà nước có quy định ưu đãi thứ nhất là "miễn thuế thu nhập doanh nghiệp". Dù cơ sở lớn hay nhỏ, doanh thu cao hay doanh thu thấp, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là một sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Để được giảm bớt thuế thu nhập doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần có sự kê khai rành mạch khi đăng ký với cơ quan thẩm quyền địa phương như: Ủy ban nhân dân, phòng nội vụ, phòng quản lý doanh nghiệp và phòng thuế. Chẳng hạn, tổng số lao động của doanh nghiệp có bao nhiều? Bao nhiêu lao động khuyết tật? Từng lao động là NKT mang đặc thù từng dạng tật như thế nào? Đây là điểm quan trọng để xem xét yếu tố giảm thuế và thực hiện các ưu đãi khác. Thực tế, một số doanh nghiệp vẫn kêu "cơ quan thuế gây khó khăn"? Thế nhưng, khi xem bản kê khai lao động lại không cụ thể, vì vậy, cơ quan thuế không thể có cơ sở để miễn giảm. Trong Hiệp hội VAIDE, nhiều cơ sở có kê khai rành mạch tỷ lệ lao động thương tật nên việc giảm thuế khá thuận lợi như: Hợp tác xã thương binh tình nghĩa Hà Tây, Cơ sở sản xuất chiếu cói tư nhân Thành Hóa, Công ty Cổ phần thương binh Hải Hậu (Nam Định), Công ty 27-7 thành phố Hồ Chí Minh, Các cơ sở sản xuất tăm tre, chổi đót của Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế… và nhiều cơ sở khác. Những cơ sở doanh nghiệp khác kê khai lao động không rõ ràng, cụ thể thì cơ quan thuế từ chối sự miễn giảm là đương nhiên. Tuy vậy, cũng có trường hợp cơ quan thuế còn máy móc khi nhìn nhận con số lao động là NKT trong tổng số lao động của doanh nghiệp còn khô cứng và máy móc. Chẳng hạn, có nơi, cơ sở doanh nghiệp có 100 lao động nhưng trong đó chỉ có 45 đến 49 lao động là NKT nhưng vẫn không miễn thuế. Song, có địa phương khi điều tra cơ sở doanh nghiệp có 20 đến 30 lao động là NKT nhưng vẫn cho giảm thuế vì họ có cách nhìn thấu đáo điều kiện tham gia lao động của NKT trong hoàn cảnh cụ thể. Phải nhìn NKT ngồi trước máy khâu, trước cây chổi đót và bộ bàn ghế đang đánh bóng, đang được khảm trai thì mới hiểu việc cố gắng lao động của họ đã là đáng quý. Giảm thuế cho họ là sự cổ vũ cho sự nỗ lực lao động trong điều kiện thương tật của họ.

Tóm lại. sự kê khai lao động rành mạch của doanh nghiệp và trình bày chi tiết, có lý, có tình của Lãnh đạo doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng về lao động là NKT và cách nhìn có đạo lý, cảm thông, linh hoạt trong nguyên tắc của cơ quan thuế sẽ là điều kiện dễ "gặp nhau" trong quan điểm vì NKT.

Vấn đề miễn trừ cho cơ quan sản xuất, kinh doanh của NKT về tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt đất, tiền thuê mặt nước trong Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ cũng được áp dụng ở mỗi nơi đều có sự khác biệt. Nói chung, chính quyền các cấp đã có quan điểm tương đối thống nhất về cách vận dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và NKT. Nhiều tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường thường giải quyết nhanh đất làm trụ sở, đất làm mặt bằng sản xuất và mặt nước để chăn nuôi thủy sản. Đó là khi doanh nghiệp có dự án trình bày cụ thể kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở khoa học, mang tính phát triển. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, đất đắt hơn vàng, không phải có dự án là được cấp mặt đất, mặt nước dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp của Thương binh và NKT khốn khổ về thủ tục hành chính nhưng vẫn không có đất vì thiếu tiền để "đi bước đầu tiên". Nhiều doanh nghiệp lo lương hàng tháng cho công nhân đã khó, lấy đâu ra tiền để "đi bước đầu tiên"? Cho nên, nếu vì đời sống thương binh và NKT, các cơ quan chức năng không thể nhìn doanh nghiệp theo cách "đánh đồng một loại" mà cần căn cứ hoàn cảnh cụ thể để có cách giải quyết nhân đạo nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho thương binh và NKT càng nhanh chóng đi vào sản xuất, kinh doanh càng tốt. Tạo cho thương binh và NKT có việc làm, có thu nhập ổn định sẽ là điều tốt đẹp hơn nhiều so với cách trợ giúp ban ơn vì được trợ giúp họ cũng chỉ sống được theo kiểu "một ngày ăn đấy, bảy ngày ăn đâu"? Điểm ưu đãi vay vốn ghi rất rõ những điều kiện vay vốn do Ngân hàng chính sách xã hội giải quyết. Thế nhưng, gần ba năm qua, con số doanh nghiệp của thương binh và NKT được vay ở Ngân hàng này là rất ít, đôi khi rất khó khăn.

Tại các cuộc giao lưu: "Cơ hội - Thách thức và Phát triển" do Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT phối hợp với các đơn vị, tổ chức ở Ninh Bình, Thanh Hóa và Hải Phòng trong năm 2010, các đại biểu đều nêu ý kiến: Vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội là rất khó. Nếu có cho vay thì cũng chỉ được vay rất ít và nhỏ giọt. Nhiều doanh nghiệp làm dự án vay vốn, chính quyền địa phương đã ký xác nhận nhưng đến NHCSXH lại được khuyên "Đến Ngân hàng Thương mại mà vay là dễ nhất"(?). Cuối cùng, sự ưu đãi là bằng không.

Một số kiến nghị khẩn cấp

Trong Điều 3 của Quyết định 51 ghi rất rõ quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ủy ban nhân dân các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc phối hợp chỉ đạo và thực hiện vay vốn ưu đãi. Tiết C, điểm 1 trong Điều 3 ghi rõ: "Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp các báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định này của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ". Từ ngày Quyết định 51 có hiệu lực đến nay, lẽ ra phải có 5 kỳ tổng hợp tình hình thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng từ tháng 5-2008 đến nay (Tháng 11-2010) vẫn không có một cuộc họp và báo cáo nào. Chính vì việc chỉ đạo không có nên NHCSXH vẫn là "một tảng băng" kết đá rắn mà các Doanh nghiệp của TB và NKT khó xâm nhập.

Từ thực tế trên đây, ba Bộ có liên quan và NHCSXH cần xem xét lại trách nhiệm phối chỉ đạo và thực hiện để quyết định 51 thực sự đi vào cuộc sống của TB và NKT.

Hải Phong

Nguồn: tapchihuongnghiep


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới