Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



CẦN LẮM SẼ CHIA NHÂN ÁI...
19:10, 09/02/2012

 Cuộc sống vốn dĩ nhiều gam màu, ai chẳng muốn mình sẽ hạnh phúc hơn, thế nhưng...đối với gia đình của bà Tám là điều rất mong manh. Niềm hy vọng lớn nhất của bà bây giờ làm sao các con mình mau chóng hết bệnh, có đi theo ông bà cũng không hối tiếc.

 


VẪN CÒN ĐÓ

NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH...

Dù biết rằng cuộc sống còn biết bao khó khăn, bao nỗi lo cho cơm áo gạo tiền, nhưng với một sức khỏe tốt thì bà con nghèo vẫn hằng ngày chịu thương chịu khó làm lụng lo cho gia đình. Thế nhưng, sẽ ra sao khi giờ đây vấn đề sức khỏe lại là rào cản lớn nhất của không ít những hoàn cảnh số phận?...

Chúng tôi muốn kể về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Tám ngụ tại Tổ 2, ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Kể từ ngày chồng mất, lại mang trong mình căn bệnh phong đã lâu, bà Tám đã phải kìm nén nỗi đau để tảo tần nuôi hai con khôn lớn. Thế nhưng nỗi đau lại chồng chất nỗi đau, khi giờ đây hai người con mà bà yêu quí cũng phải hằng ngày đối đầu với bệnh tật tai ương.

Mấy ai biết được người phụ nữ có nước da đen đủi đầy vết tích do di chứng của căn bệnh phong để lại lại mang trong người một tình thương con bao la. Công việc nắn nồi đất đã gắn liền với bà Tám trên 50 năm qua. Tuy không mấy vất vả nhưng đó là cả một tâm huyết và hoài bão của bà để lo cho các con. Mỗi ngày bà nắn được khoảng 50 chiếc nồi đất, lãi được 20 ngàn đồng. Tất cả số tiền kiếm được bà trang trải cho sinh hoạt hàng ngày và thang thuốc cho cả mẹ lẫn con.

ba_tam

Chân dung bà Tám-Kiên Giang

Như bao người phụ nữ khác, bà Tám có chồng rồi sinh con. Hiểu cuộc sống khó khăn, bà không dám sinh thêm đứa thứ 3. Sau một thời gian đứa con gái út chào đời, cơ thể bà có dấu hiệu bất thường về da. Không đủ tiền chữa trị, căn bệnh phong ngày càng nặng khiến da vẻ bà trở nên như thế. Không mặc cảm với số phận, bà vẫn miệt mài làm lụng với đủ mọi nghề mà vẫn không lo nổi bữa cơm no đủ cho cả nhà.

Chồng mất sớm, vì con ai thuê gì bà Tám cũng chịu làm. Vậy mà, chắt góp gần đến hết cuộc đời…tay trắng vẫn quàng không. Bà Trần Thị Tâm – người hàng xóm lân cận bà Tám kể lại: “Tôi là lân cận với bà đã nhiều năm, trước khi chồng mất 2 vợ chồng bà cũng sống bằng nghề làm thuê, làm mướn và nắn nồii đất. Tôi cũng làm nghề này nên tôi biết thu nhập không bao nhiêu. Bà Tám bị bệnh phong cơ thể nhiều vết tích, nay 2 đứa con lại gặp cảnh ngặt nghèo bệnh tật, tôi chỉ mong những tấm lòng hảo tâm biết, giúp đỡ để gia đình có điều kiện đi chữa bệnh”

Căn nhà nhỏ liêu xiêu, với mai che phủ kín cao su mà bà con giúp cây lá, được cất tạm trên nền đất của người ta. Nơi đó, gương mặt hốc hác, gầy còm của 3 mẹ con bà Tám vẫn vào ra hàng ngày.

Tiếp xúc với hoàn cảnh bà, chúng tôi càng tin: “Tình yêu thương là vũ khí lợi hại trong cuộc chiến của sự nghèo khó”. Sáu mươi ba tuổi đời, cũng là bấy nhiêu thời gian bà Tám sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Nhà nghèo, các con đều không được đến trường mà sớm bươn chải làm thuê làm mướn để lo cái ăn, cái mặc. Anh Trần Văn Tuấn – con trai lớn của bà Tám đi làm lưới cá cho người ta, mỗi tháng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Gánh vác gia đình trở nên nặng nề hơn khi anh Tuấn lập gia đình, nuôi vợ lo con.

Không may, tai nạn bất ngờ ập xuống, anh phải phẫu thuật nuôi não bên ngoài, cánh tay trái vĩnh viễn không còn cảm giác. Điều trị ở bệnh viện một thời gian, không tiền cấy ghép lại não và hết tiền, gia đình phải đưa anh trốn viện về nhà. Thần kinh của anh Tuấn dần dần không còn ổn định, anh trở nên ít nói và đôi khi không ý thức được việc mình làm. Thế nhưng anh lại rất ngoan ngoãn nghe lời bà Tám.

Nhắc đến vợ con, anh Tuấn buồn bã cúi đầu…Chúng tôi không hỏi gì thêm, có lẽ anh đang nặng trĩu một nỗi lòng. Bà Nguyễn Thị Chín – người cùng xóm cho biết: “Cậu Tuấn trước khi gặp tai nạn cũng hiền lành, giỏi giang. Bây giờ đầu óc lúc này lúc khác. Trời nắng quá có khi cũng la khóc, không thì cũng đi lòng vòng nhà hàng xóm chơi chứ không phá phách gì đâu”.

3_me_con

Dù ba mẹ con điều mang bệnh nhưng cuộc sống vẫn lạc quan đối với gia đình của bà.

Trước hoàn cảnh gia đình, em Trần Thị Ánh quyết định xa mẹ, xa quê một thời gian để lên Bình Dương làm công nhân ở một xí nghiệp gỗ. Cố gắng thay đổi cuộc sống nhưng số phận cứ trêu người, bệnh tật lại đeo bám, sức khỏe Ánh suy giảm trầm trọng. Trong quá trình làm việc em bị ngất xĩu, được chị em đưa vào bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán Ánh bị phổi nước, thận và lá lách yếu. Khoảng thời gian nằm viện em rất tủi thân vì không người thân bên cạnh. Nhưng em hiểu hoàn cảnh nghèo của mình, mẹ ở quê nhà cơm không đủ no thì làm sao lên thăm em được. Chỉ vài tháng mắc bệnh, Ánh sụt giảm gần 20 kg. Không nghĩ cho mình, em chỉ ước mơ có tiền chữa bệnh cho mẹ, cho anh. Thế nhưng, tưởng chừng quá xa vời! chị Nguyễn Thị Thành – chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn nhận xét: “Hộ bà Tám thật sự là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt, địa phương cũng xét trợ giúp quà cáp vào các dịp lễ, tết. Nhưng kinh phí địa phương cũng có hạn nên không thể chu toàn được. Bà Tám cũng không có đất cát để địa phương xét cất nhà”.

Bất hạnh cứ ồ ạt đổ xuống, nước mắt của 3 mẹ con dường như cũng cạn khô. Thế nhưng, những nỗ lực về ngày mai của những mảnh đời bất hạnh này vẫn không ngừng nghỉ. Trong đó, sự tiếp sức của những tấm lòng chính là động lực và niềm tin giúp họ vững vàng, vươn lên trong cuộc sống.

Nhóm từ thiện xã hội LHL rất mong quí nhà hảo tâm gần xa quan tâm giúp đỡ cho hoàn cảnh của bà, mọi sự giúp đỡ xin liên hệ về: Bà Nguyễn Thị Tám ngụ tại Tổ 2, ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Tại TP.HCM, xin vui lòng liên lạc với anh Minh Tuấn 01225-425279 (trợ lí nhóm LHL) để nhận sự giúp đỡ của quí vị, chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình bà Tám một cách nhanh nhất có thể. Danh sách ủng hộ sẽ được cập nhật trong bài viết này.

Trân trọng.

Thực hiện bài viết: CTV: Huỳnh Như

Đài PT-TH Kiên Giang

Ban biên tập chương trình LHL

Email: Địa chỉ thư điện tử này đã được bảo vệ khỏi các chương trình thư rác, bạn cần bật JavaScript để xem nó

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới