Trong không khí sực lên toàn mùi thuốc sát trùng nơi bệnh viện, người mẹ luống cuống sai đứa lớn ra mua gì cho em ăn nhưng lại không có lấy một đồng nào trong người. Cực chẳng đã mấy người bệnh giường bên lại cho thằng nhỏ hộp sữa còn chị vẫn cũng đã bắt đầu lả người đi vì đói. Cố đứng vững để bám vào thành giường dõi theo con ánh mắt chị sáng lên niềm hạnh phúc khi thấy con đã chịu nằm yên và thiu thiu ngủ.

Sự vụng về của chị không dỗ được cho con khỏi khóc
Hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi nhắc đến đó là chị Nguyễn Thị Hiệp (thôn Quyết Tiến – xã Tiền Phong – huyện Yên Dũng – tỉnh Bắc Giang) có con là bé Thân Văn Hoàng (3 tuổi) hiện đang phải điều trị tại Khoa bỏng trẻ em – Viện bỏng quốc gia. Tôi để ý đến chị chính bởi sự cuống quýt, vội vã khi thấy con đau, đến cái ngờ nghệch trong khi thay bỉm hay dỗ dành cho con thôi khóc. Dường như ở người phụ nữ này có quá ít sự khéo léo nên Hoàng cũng không được chăm bẵm chu đáo cẩn thận như các em bé khác.
Bị bỏng đã hơn chục ngày với diện tích bỏng 24% ở vùng lưng, mông và có 6% bỏng sâu. Đáng lẽ ra với bệnh nhân khác tình trạng sẽ khá hơn, tuy nhiên điều đáng ngại đối với Hoàng đó là vì không được vệ sinh sạch sẽ và chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng nặng nên vết thương bị nhiễm trùng – đó là những thông tin mà bác sĩ Nguyễn Hải An (Phó chủ nhiệm khoa bỏng trẻ em - Viện bỏng quốc gia) cho biết. Và trong những chia sẻ đó, tôi còn thấy cả sự ái ngại trong ánh mắt và trên gương mặt của anh : “Từ hôm vào viện chỉ thấy có mình chị Hiệp chăm con, chúng tôi gặng hỏi người nhà đâu thì chị chỉ lặng im không nói gì. Cách đây mấy ngày lại thấy có hai đứa nhỏ nói lên với mẹ và em được 2 ngày rồi cũng lại về” – bác sĩ An tâm sự.

Do không được chăm sóc kĩ lưỡng và thiếu chất dinh dưỡng nên vết thương của Hoàng đang bị nhiễm trùng
Gặp chị tôi mới hiểu hết vì sao chị lại lặng im trước ngay cả sự quan tâm của các bác sĩ ở đây. Bàn tay gân guốc, vụng về chị xoa đầu con như đang yêu chiều cưng nựng lắm rồi chậm rãi kể: “Anh ấy lấy tôi là vợ hai rồi tôi sinh được 3 cháu là Thân Thị Hoa (13tuổi), Thân Thị Mơ (9tuổi) và cháu Hoàng là út. Hôm đó tôi nấu nồi nước sôi tắm cho con nhưng còn đang mải lấy quần áo thì cháu nghịch rồi ngã vào. Nhà không có tiền, cũng chả biết làm sao nữa, bệnh viện tuyến dưới đưa lên đây thì tôi cũng chỉ biết theo con lên thôi”, chị nói, ngắt quãng rồi lại thôi cho dù tôi có ý nài muốn nghe tiếp.
Gương mặt khắc khổ nhưng đờ đẫn chị nhìn xunh quanh rồi lại cúi gằm mặt như có điều gì giữ kín khó bật thành lời. Chốc chốc có em Thân Thị Mai (con của vợ cả) chạy vào bế dỗ em thấy chúng tôi đến thăm, nhìn mẹ ái ngại nói: “Mẹ cháu không được tỉnh táo như người ta nên cô thông cảm”
Mẹ của Mai bỏ đi từ lâu nên bố lấy mẹ Hiệp về nhưng nỗi buồn vẫn ngập tràn trong đôi mắt của cô bé 20 tuổi này. Em buồn không phải vì cảnh “dì ghẻ con chồng” mà vì bố mắc bệnh thần kinh (hiện tại đang được họ hàng cưu mang chữa trị trong miền nam) rồi đến mẹ Hiệp cũng không khá hơn. Mẹ sinh 3 em – cảnh nheo nhóc ở quê đến cái ăn còn thiếu thốn nói gì đến tiền triệu để đi viện. Bảnh thân Mai phải nghỉ học sớm đi làm công nhân với đồng lương ít ỏi tháng nào cũng phải ứng trước gửi về cho mẹ nuôi em. Bây giờ Hoàng phải nằm đây, một mình em cũng không biết phải làm sao nữa.

Em nằm viện nên Mai phải nghỉ làm vội vã về chăm
Nhìn chị rồi lại quay sang nhìn Hoàng tôi bỗng thấy khóe mắt mình cay cay. Không khéo léo, lanh lợi như người ta nhưng trong sâu thẳm đôi mắt quầng thâm vì nhiều đêm không ngủ của chị, tôi vẫn cảm nhận được rõ tình mẫu tử thiêng liêng. Chị yêu con nhưng yêu bằng chính cái sự hơi dơ dở khác người của mình – cũng mặn mà đấy nhưng sao cứ tồi tội xót thương.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Nguyễn Thị Hiệp (thôn Quyết Tiến – xã Tiền Phong – huyện Yên Dũng – tỉnh Bắc Giang) hoặc giúp đỡ trực tiếp tại Khoa Bỏng trẻ em Viện bỏng quốc gia (Hà Nội). ĐT:01667816074 ( của em Thân Thị Mai)