Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Thêm cơ hội vươn lên cho người khuyết tật
00:00, 06/11/2009

Các học viên khuyết tật tại lễ khai giảng. Ảnh: ĐẠI HẢI - Sáng 29-10, Công ty Viễn thông A (VTA) phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM

khai giảng lớp sửa chữa điện thoại di động dành cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật (huyện Hóc Môn). Đây là một hoạt động xã hội nhân đạo đầy ý nghĩa mà VTA tiếp tục đóng góp cho cộng đồng…

Hỏi về cảm xúc  khi được tham dự lớp học, em Nguyễn Đức Hiền (20 tuổi), học viên khuyết tật nghèo quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ, bày tỏ: “Đối với những người khuyết tật khó khăn trong việc đi đứng như em thì công việc sửa chữa điện thoại di động rất phù hợp. Em rất biết ơn Công ty Viễn thông A, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM, đã cho chúng em cơ hội vươn lên trong cuộc sống”. Cha mất từ nhiều năm qua, một mình mẹ Hiền sớm hôm quần quật với thửa ruộng mảnh vườn mà cũng không đủ ăn. Do bị teo 2 chân phải ngồi xe lăn nên Hiền không có khả năng đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình như các anh chị em khác.

 

Tương tự như Hiền, em Trần Thị Trầm (27 tuổi) quê ở Hòa Thành (Cà Mau) cũng được gia đình đưa lên thành phố trước ngày khai giảng 1 tuần để làm thủ tục xin học. Em Trầm tâm sự: “Do hoàn cảnh quá khó khăn nên 7 anh chị em phải nghỉ học sớm đi làm đủ nghề phụ giúp cha mẹ. Được tham dự lớp học này em và gia đình rất vui mừng, em sẽ cố gắng hết sức để không phụ sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm”.

Đại diện Công ty Viễn thông A (VTA), đơn vị tài trợ chính và cũng là nhà khai sáng ra lớp học nhân đạo này, ông Huỳnh Việt Thương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, cho biết: “Lớp học sửa chữa điện thoại di động dành cho người khuyết tật là ý tưởng tiếp nối của quỹ học bổng Niềm Tin Xanh do VTA và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp thực hiện. Lớp học được khai giảng với sự hỗ trợ rất lớn từ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM, cụ thể là trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tại huyện Hóc Môn. Đây là lớp thí điểm đầu tiên, chúng tôi sẽ có chương trình theo dõi, đánh giá sau đó sẽ triển khai các lớp kế tiếp”.

Bà Bùi Thị Bích Huệ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật, cho biết thêm, ngay sau khi hoàn tất khâu xét tuyển, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật của VTA đã được triển khai xuống tại địa điểm tổ chức lớp học để thiết kế phòng, bố trí các trang thiết bị, máy móc cần dùng cho suốt quá trình dạy và học. Tổng kinh phí cho lớp học thí điểm đầu tiên này xấp xỉ 50 triệu đồng. Sau khi khóa học kết thúc, VTA sẽ đánh giá chất lượng và tuyển dụng các em đạt tiêu chuẩn, đồng thời sẽ có kế hoạch hỗ trợ tìm việc làm ở những đơn vị khác cho các em.

MAI NGUYỄN

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới