 Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) năm nay có chủ đề: "Giữ lời hứa - Lồng ghép vấn đề người khuyết tật trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hướng đến năm 2015 và xa hơn nữa".
Trong đó, vấn đề sinh kế cho người khuyết tật được đặc biệt nhấn mạnh, bởi thực tế vẫn còn bức bối. Để tạo được cơ hội việc làm phù hợp, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng cần sự vào cuộc của nhiều yếu tố. Sinh kế còn nhiều khó khăn Ở Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm khoảng 6,34% dân số. Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra, hiện có tới 37% NKT đang sống trong hộ nghèo, gần 80% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động... Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2006 - 2010 đã giúp 44.391 NKT được dạy nghề, trong đó hơn 15.000 người được tạo việc làm ổn định. Tuy nhiên trên thực tế, việc làm dành cho NKT chủ yếu vẫn được tạo ra từ các cơ sở có trên 51% lao động là NKT. Mặc dù được Nhà nước đặc biệt quan tâm nhưng vì nhiều lý do, NKT vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Xuân Lập cho biết: Trừ một số NKT có khả năng đặc biệt, có thể tự đứng ra tổ chức sản xuất, kinh doanh, đa số làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở sản xuất của NKT hoặc cơ sở của gia đình. NKT được thu nhận vào các DN không dễ, do sức khỏe và trình độ khó đáp ứng với các dây chuyền sản xuất của DN. Nhiều DN cũng ngại nhận NKT vào làm việc vì lo ngại họ sẽ trở thành gánh nặng. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề cho NKT mỗi năm. Nhưng những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, có nhiều cơ hội xin được việc làm thì hầu hết NKT không có khả năng theo học, còn những ngành thủ công đơn giản như may mặc... NKT khó tìm được việc làm do cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị đã thực hiện chức năng đào tạo nghề cho NKT nhưng vẫn chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên biệt... Cũng chính vì vậy, các DN chưa tin tưởng vào công tác đào tạo nghề cho NKT ở các cơ sở đó, nên để tìm được việc làm cho NKT lại càng khó khăn hơn. Những nỗ lực giải quyết việc làm Hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, một hội chợ việc làm cho NKT vừa được tổ chức với sự tham gia của 20 DN... Một số cơ sở, DN tại Hà Nội tuyển sinh dạy nghề cho NKT với số lượng lớn, sau khi đào tạo sẽ xếp công việc tại chỗ hoặc giới thiệu việc làm. Nhiều NKT cũng vượt qua mặc cảm, khó khăn, tự lập cơ sở sản xuất như Nguyễn Thị Thu Thương phải nằm trên xe lăn, nhưng đã là chủ cơ sở Thương Thương Handmade, bán hàng qua website thuongthuong.net. Mỗi sản phẩm bán ra được trích 5% giúp những NKT không có khả năng lao động hay hoàn cảnh khó khăn. Hội NKT xã Phương Trung, Thanh Oai cũng có dự án dạy nghề làm nón truyền thống cho các hội viên… Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của NKT Việt Nam cũng cho biết: Hiệp hội khuyến khích và tổ chức các hoạt động đào tạo nghề có địa chỉ cho NKT. Theo đó, chính các DN tham gia vào công tác đào tạo nghề và sau đó nhận NKT vào làm việc... Nhằm giúp cho NKT được tuyển dụng sau khi được đào tạo nghề, các đơn vị nên phối hợp với DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cùng tham gia đào tạo để giúp các em ra trường sớm tìm được việc làm. Các cơ sở đào tạo giúp về kinh phí, các DN hỗ trợ về cơ sở vật chất như nhà ở, trang thiết bị... Có như vậy, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT mới có hiệu quả. Minh Hiền Nguồn: ktdt |