Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Hiệp sĩ "không chân" bắt cướp
08:39, 06/02/2012

Bại liệt hai chân nhưng Hùng “nhí” vẫn là nỗi kinh hãi của nhiều tên giang hồ cộm cán tại thành phố Đà Nẵng.Nhiều lần chỉ mới nghe tiếng hô: “Cướp” đã thấy anh lao vút ra, chỉ ít phút đã tròng được chiếc khóa số 8 vào tay đối tượng. Với Hùng “nhí”,

cứ thấy bọn trộm cắp, cướp giật là anh nóng hết cả người...

.

Lành lặn phải thán phục

Tôi gặp Lưu Văn Hùng vào một buổi chiều muộn, khi anh đang tất tả chỉ đạo nhân viên sắp xếp nước giải khát để đưa đi phân phối cho các quán cà phê, đại lý trên địa bàn. Nhìn anh, thấy cái biệt danh “nhí” mà người ta đặt cho anh chẳng hợp tí nào. Hùng “nhí” vừa rót nước mời khách vừa giải thích cho sự bận rộn của mình: Ban ngày tranh thủ làm việc nhà để ban đêm cùng anh em đi tuần tra, bắt cướp.
Dịp cuối năm cũng là thời điểm bọn cướp lộng hành. Mà hễ thấy bọn “đầu trộm, đuôi cướp”, là máu trong người anh lại chảy rần rật, không chịu được. Đó cũng là lý do để năm 2001 anh xin gia nhập Đội dân phòng. Sau 4 năm, năm 2005 anh “lên chức” đội trưởng Đội dân phòng cơ động phường Hoà Khánh Bắc, lập nhiều thành tích xuất sắc.
Anh Hùng bên thành tích thể thao và săn bắt cướp của mình.

Hùng “nhí” nhớ lại một vụ việc xảy ra vào năm ngoái. Hôm ấy, khoảng 20h, có ba đối tượng vào hát karaoke tại quán H ở phường Hoà Khánh Bắc. Sau khi trả tiền xong và đi khỏi quán, bất ngờ ít phút sau chúng quay lại, tay tên nào cũng nhăm nhăm cầm mã tấu, ào ạt tấn công vào quán. Chuông điện thoại đổ vang, Hùng “nhí” tức tốc đến hiện trường. Phía ngoài quán có rất nhiều người hiếu kỳ đứng xem, cũng có rất nhiều thanh niên, nhưng không ai dám can thiệp bởi những đối tượng gây sự quá hung dữ.
Tình thế cấp bách, Hùng “nhí” chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, anh tông thẳng xe máy vào các đối tượng khiến một trong ba tên té ngã. Tiếp đó anh tung người khỏi xe, nhanh như sóc, móc chiếc còng số 8 vào tay tên côn đồ rồi kéo mạnh tay hắn, móc đầu còn lại vào hàng rào sắt của quán. Động tác của anh quá nhanh khiến đối tượng không kịp phản ứng gì.
Hai tên đồng bọn thấy dân phòng đến đã bỏ chạy, nhưng bỗng dừng lại rồi cầm đá ném anh Hùng. Nhanh chóng lết người ra chỗ chiếc xe máy ba bánh, anh Hùng nhảy lên. Anh vừa né tránh những viên đá, vừa khởi động xe rồi đâm tiếp vào một trong hai đối tượng. Tên này ngã quỵ, Hùng “nhí” nhờ người dân lấy dây trói lại và phi xe đuổi theo tên thứ ba. Chạy được một đoạn, tên thứ ba nhảy xuống bờ ruộng để thoát thân, nhưng cuối cùng vẫn bị tóm gọn. Sau vụ việc này, anh Hùng được UBND TP Đà Nẵng thưởng “nóng”, tặng Bằng khen.
Vào một lần khác, trên đường đi tuần tra, phát hiện ba đối tượng đi trên chiếc xe máy không có biển số. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, Hùng “nhí” nhận ra ba người này có vấn đề. Nhìn vào biểu hiện của chúng, anh suy đoán, có thể đây là ba tên trộm từ nơi khác đến, đang đi “rình mồi” nên lặng lẽ bám theo. Tuy nhiên ba tên này đã phát hiện ra đang bị theo dõi, chúng lập tức tăng tốc bỏ chạy. Hùng “nhí” cũng tăng tốc chiếc xe ba bánh, bắt đầu một cuộc rượt đuổi ngoạn mục.
Ba đối tượng chạy với tốc độ rất nhanh, do đường đông nên chúng lạch lách, đánh võng rất nguy hiểm. Hùng “nhí” vẫn lì đòn bám đuổi. Đến khúc cua hẹp, ít người, Hùng “nhí” xiết mạnh tay ga, xe của anh chồm lên, vượt được xe bọn chúng. Anh ép được xe của đối tượng vào sát vào lề đường. Hai tên ngồi sau nhảy nhanh ra khỏi xe thoát thân, nhưng tên cầm lái thì đã bị anh Hùng bập vào tay chiếc còng số 8. Sau khi bị giải về công phường tên này khai nhận hắn đang chở đồng bọn đi “tăm” để trộm cắp xe máy. Khi đã biết được lai lịch của hai tên còn lại, công an đã tổ chức truy bắt và chúng đã sa lưới.

Lần khác, trên đường đi tuần tra ở đường Đại Nghĩa- Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) về Hoà Khánh Bắc, anh Hùng và đồng đội lại phát hiện ra ba tên có điệu bộ khả nghi. Đội của anh Hùng lập tức bám theo. Để tránh bị phát hiện, mọi người đều thay đổi đồng phục thành thường phục, theo chân ba đối tượng vào quán cà phê. Như suy đoán, sau khi trả tiền, những tên này đã lợi dụng sự sơ hở của khách để “nhảy” xe máy. Chỉ chưa đầy 2 phút chúng đã nổ máy được chiếc xe, nhưng chưa kịp nhấn số, tăng ga thì đã bị nhóm của anh Hùng quật ngã. Cả ba tên mặt ngơ ngác tra tay vào còng số 8. Có lẽ điều chúng kinh ngạc là mình lại bị bắt bởi một người...liệt cả hai chân!
Đội trưởng Lưu Văn Hùng cùng anh em trong đội đang đi tuần tra đêm.

Tuổi thơ “thừa sống thiếu chết”

Hùng “nhí” sinh ra trong một gia đình đông con ở làng quê nghèo xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, anh cùng gia đình chuyển ra sinh sống tại vùng ngoại ô phía Bắc TP Đà Nẵng. Tuổi thơ của Hùng “nhí” không mấy êm đềm. Năm lên 9 tuổi, sau một trận sốt “thừa sống thiếu chết” đã đẩy anh vào cõi đời...liệt cả hai chân. “Đó là một ngày định mệnh đối với tôi. Trận sốt xảy ra khi tôi mới học lớp 3 cướp đi đôi chân nhanh nhẹn của tôi. Lúc đó tôi khóc hết nước mắt, tưởng chừng như không sống được. Mọi thứ dường như đều sụp đổ, tan hết hoài bão và ước mơ”, anh nói.

Gia đình đã chạy chữa thuốc men khắp nơi nhưng vẫn không cứu được đôi chân của Hùng “nhí”. Từ lúc đó, cậu bé Hùng bắt đầu sống trong vô vọng, cuộc đời tươi đẹp của một cậu bé thích tung tăng, chạy nhảy dường như khép lại. Mọi vận động, đi lại của anh phải phụ thuộc vào đôi nạng gỗ. Những năm chống nạng đến trường, trong sâu thẳm con người của Hùng “nhí” nuôi nấu một ý chí là làm sao vượt qua hoàn cảnh và trở thành một người có ích cho xã hội. “Lúc đi học ở trường cấp 2, tôi quyết học thêm nghề sửa xe để đỡ đần cho ba mẹ. Gia đình nghèo quá không có tiền để học, đành phải đi học lỏm nghề của mấy anh sửa xe trước cổng trường. Mặc dù tôi sửa xe ngon lành nhưng khách hàng nào vào sửa thấy tôi hai tay chống nạng họ đều ái ngại và không tin tưởng. Buồn lắm!”, anh Hùng tâm sự.

Nhưng trong cái rủi, có cái may, Hùng “nhí” nghỉ học sau khi học hết THPT và từ đây cuộc đời anh bước sang một trang mới!

Liệt chân nên tay “vô địch”
Cưới được vợ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời Hùng “nhí”.
Biết mình thiệt thòi về thể hình, đặc biệt là đôi chân, Hùng “nhí” xin làm ở quán cà phê rồi phụ xe khách. Nhưng ở đâu Hùng “nhí” cũng chỉ làm được một thời gian ngắn rồi bị chủ cho nghỉ vì họ ái ngại... đôi chân. Không thể phụ thuộc vào người khác, anh liền nghĩ ra công việc mới: mua đá lạnh ở các xưởng sản xuất, sau đó tự cưa nhỏ rồi vận chuyển giao cho các nhà hàng, quán ăn.
Công việc này vừa có thêm thu nhập, vừa hợp với sức khỏe của anh. Tuy hai chân bị liệt, nhưng đổi lại hai tay của Hùng “nhí” thì khỏe vô cùng. Cả một bao đá lạnh nặng nề nhưng anh dùng hai tay bốc lên-xuống xe bình thường. “May mà tôi còn hai cánh tay khỏe để kiếm sống. Vừa làm tôi vừa nghĩ, tay mình khỏe nên chơi một môn thể thao nào đó để đi thi đấu Paragames, biết đâu được”.

Hàng ngày, vừa làm, anh vừa luyện tập môn bóng bàn. Sự kiên trì khổ luyện đã đem lại một thành công lớn cho anh. Năm 1997, anh được tuyển chọn vào đội vận động viên thể thao khuyết tật TP Đà Nẵng đi thi đấu toàn quốc. Năm 2003, anh được cử đi tham gia Paragames tổ chức tại Hà Nội và mang về tấm huy chương Vàng cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam và được Thủ tướng Phan Văn Khải tặng Bằng khen. Năm 2009 anh còn đạt Huy chương Bạc giải Thể thao văn nghệ Toàn quốc dành cho người khuyết tật tổ chức tại Quảng Trị.

Nghiệp bắt cướp
> Các anh Công an phường Hòa Khánh Bắc cho biết, đã nhiều đêm cùng anh em đi tuần tra, nhiều lúc đi bắt tội phạm rất nguy hiểm, một người bình thường cũng khó khống chế tên tội phạm có hung khí “nóng” trên tay, lại là đối tượng lực lưỡng đánh trả, ấy vậy mà Hùng “nhí” đã tay không quật ngã, khống chế đối tượng mới tài!
> Anh Trần Thanh Lộc, đội viên dân phòng cơ động ở phường Hoà Khánh Bắc: “Tôi làm việc nhiều năm với Đội trưởng Hùng, lúc nào có tội phạm là anh sẵn sàng, cho dù anh là người khuyết tật nhưng truy bắt tội phạm rất nhanh và mạnh. Khi đi tuần tra mà nghe tiếng hô của dân “cướp”, anh lao mình ra cản và bắt giữ tội phạm”.
Kể về công việc bắt cướp thì anh rất say sưa, nhưng khi nói về gia đình mình, đặc biệt về vợ và con thì anh lại... e thẹn. Bởi theo anh, để có một gia đình nhỏ như bây giờ là một niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Anh không ngờ mình liệt hai chân nhưng vẫn có một người con gái vượt qua mặc cảm, lấy anh làm chồng. “Mấy hôm nay thằng cu bị sốt cao nên vợ tôi phải vào bệnh viện chăm sóc cho cháu. Tôi phải ở nhà trông coi nhà cửa và bán hàng”, anh nói.

Hùng “nhí” và vợ là chị Nguyễn Nguyên Mai Trâm (SN 1976) quen nhau từ khi anh đi tập thể thao. Sau nhiều hẹn hò, đồng cảm, năm 2006 họ cưới nhau và mới sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. “Hồi đó yêu nhau tôi mặc cảm lắm. Vợ là một thiếu nữ lành lặn, dễ thương, phải nói rằng nằm mơ tôi cũng không nghĩ là mình lấy được Trâm về làm vợ. Nhưng nhờ một người bạn của Trâm xúc tiến và Trâm đồng cảm, yêu thương tôi thật lòng nên chúng tôi đã cưới nhau. Ngày cưới là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời của tôi”, Hùng “nhí” nghẹn ngào khi nói đến ngày vui này.

Hàng ngày, Mai Trâm đi làm công nhân may ở Khu CN Hòa Khánh, còn anh phụ giúp chị gái bán bún buổi sáng. Ngoài ra, anh còn nhận làm đại lý phân phối nước giải khát, bia cho các quán cà phê, tạp hóa trên địa bàn. Nhờ cái quán nhỏ mà anh còn tạo công ăn việc làm cho ba lao động với mức lương từ 2,5 triệu đồng/tháng. “Đã mang nghiệp bắt cướp vào thân thì dứt không ra. Nhiều đêm đi về khuya, để vợ con ở nhà tôi cũng lo lắm. Đặc biệt, những đêm cuối năm, thời khắc giao thừa, bọn cướp thường hoạt động mạnh, anh em trong đội phải tuần tra thường xuyên. Tôi là Đội trưởng nên phải gương mẫu, thường về sau cùng so với anh em trong đội. Có hôm về tới nhà là 4 giờ sáng, vợ giận vì lo lắng. Nhưng cứ nghĩ đến mấy thằng cướp là trong lòng lại sôi máu lên, muốn bắt hết bọn chúng để xã hội được bình yên”.

Câu chuyện của chúng tôi bị dang dở khi có khách hàng chạy xe đến mua hàng. Rời ghế với đôi nạng chống, Hùng “nhí” chỉ đạo công nhân bốc xếp thùng bia, nước ngọt lên xe. Trời chiều cuối năm mưa lất phất, anh nói phải làm nhanh việc nhà để chập tối lên đường cùng anh em bắt cướp để cho người dân đón một cái Tết thật vui và bình yên!
TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ
Tặng thận, từ chối 50.000 đô
Anh Vũ Quốc Tuấn (sinh năm 1972, ở xã Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ) bị dị tật cánh tay phải từ nhỏ, lớn lên cánh tay ngày càng teo lại, cử động rất khó khăn. Năm 2008 anh Tuấn xuống Hà Nội làm bảo vệ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, cảm thương cho hoàn cảnh của em Phạm Thị Thu H bị bệnh nặng, anh tình nguyện hiến một quả thận của mình để cứu sống cô bé này. Có người nghe tin đã đề nghị trả anh 50.000 USD, để anh bán quả thận cho con họ, nhưng anh từ chối. “Nếu ông có 50.000 đô thì đi đâu cũng mua được thận, nhưng cô bé nghèo này nếu không có quả thận của tôi sẽ chết”, anh Tuấn nói.
Nguyễn Quyết
20 năm dạy học trên giường

20 năm qua, thầy Nguyễn Trung Nghĩa (sinh năm 1951, trú tại thôn Quyết Thắng 1, xã Xuân Bái, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã giúp hơn 300 đứa trẻ lam lũ trong thôn đến với ánh sáng tri thức. Thầy Nghĩa không hề được học qua một trường lớp sư phạm nào (thầy mới chỉ học hết lớp 7) và là một người tàn tật, không đi lại được. Vậy nhưng hằng ngày thầy vẫn dạy miễn phí các môn văn – toán cho các em từ mẫu giáo lớn đến lớp 5. Trong số học trò của thầy, nhiều em hiện nay là sinh viên, có những người đã trở thành giáo viên. Người dân địa phương kính trọng thầy Nghĩa không chỉ vì thầy dạy dỗ con em họ, mà còn bởi thầy là một tấm gương về nghị lực vượt khó.
Thanh Hải
Khuyết tật vẫn làm rạng danh đất nước
Năm 4 tuổi, chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1978 ở Quảng Trị) bị liệt cả hai chân. Năm 15 tuổi chị phải mở quán nước ven đường kiếm sống. Năm 2003 chị Hồng trở thành vận động viên xe lăn, đoạt HCV cấp tỉnh rồi cấp Quốc gia. Đặc biệt trong năm này chị Hồng còn đạt HCB Quốc gia ở môn cử tạ - một môn mà chị chưa bao giờ tập luyện. Tham dự Asean Paragames và Giải cử tạ người khuyết tật châu Á mở rộng năm 2006, chị đoạt luôn 3 HCV. Tháng 10 vừa qua, tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới mở rộng ở Saudi Arabia, chị Hồng đoạt HCĐ, đồng thời đạt chuẩn tham dự Paralympics London 2012. Có được thành tích như vậy, theo chị Hồng cho biết là vì chị chưa bao giờ coi mình là một phế nhân.
Tấn Phúc

Đức Hoàng
Nguồn: Giadinh.net

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới