Hiện nay, SV ra trường có được việc làm khó một, thì đối với SV khuyết tật lại khó hơn gấp 10 lần.Có thể xem xét nguyên nhân ở 2 phía, nhà tuyển dụng lao động và bản thân SV.
Một số công ty, cơ quan yêu cầu phải có sức khỏe, coi đó như một tiêu chí để tuyển dụng vì thế sẵn sàng từ chối người khuyết tật xin việc làm. Còn với SV khuyết tật thì tâm lý mặc cảm, tự ti và đánh giá thấp bản thân mình, đã không thể hiện được khả năng, tự đánh mất cơ hội của mình. Để khắc phục tình trạng này trước hết phải thay đổi quan điểm về khả năng của người khuyết tật và có nhiều chương trình hoạt động thúc đẩy cơ hội việc làm cho họ. Thời gian qua, Nhà nước đã có những quy định cụ thể về việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật (NKT), đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng khuyến khích sử dụng NKT, nhưng con số này vẫn chưa nhiều so với nhu cầu. Nguyễn Thị Quý (SV ĐH KHXH&NV Hà Nội bị khuyết tật bẩm sinh ở tay) cho rằng: “Một trong những nguyên nhân NKT khó xin việc làm là quan niệm của nhà tuyển dụng rằng NKT trở thành một gánh nặng, khả năng làm việc của NKT không bằng người lành lặn, họ không chịu được áp lực công việc, không đi được công tác xa, sức khỏe yếu... Hoặc đơn giản là đầu tư trang thiết bị khi có NKT làm việc trong cơ quan công sở. Mặt khác, môi trường làm việc cũng gây cản trở cho NKT bởi sự kỳ thị và thiếu thiện cảm của đồng nghiệp về NKT, không tạo điều kiện để khẳng định bản thân”. Nhưng với một số cơ quan, doanh nghiệp từng tuyển dụng nhiều NKT như Chi cục Thuế quận 1 (TP HCM), Cty TNHH Ninh Khánh (Ninh Bình), Công ty Chanshins Đồng Nai, Công ty Vietsoftware... thì họ lại có nhận định về khả năng làm việc của NKT một cách rất tích cực. Anh Lường Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty Vietsoftware cho biết: “Đã thành thông lệ, mỗi khi có nhu cầu tuyển dụng, Công ty chúng tôi luôn nhấn mạnh, “đặc biệt khuyến khích NKT nộp hồ sơ”. Bởi qua hơn chục NKT làm việc tại công ty những năm qua, tôi nhận thấy năng lực của NKT không thua kém bất cứ ai, thậm chí còn vượt trội. Lĩnh vực công nghệ thông tin đặc biệt phù hợp với NKT, vì đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn sức khỏe. NKT ý thức được những thiệt thòi của mình nên họ chuyên tâm vào chuyên môn và không ngừng trau dồi tri thức. Họ làm việc rất thông minh và sáng tạo”. Ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty TNHH Ninh Khánh cũng cùng chung quan điểm: “Công ty chúng tôi hiện có 28 lao động là NKT, họ làm việc rất chăm chỉ, tỉ mẩn, cẩn thận. Những sản phẩm tăm hương và đồ thủ công mỹ nghệ do họ làm ra rất hoàn hảo. NKT ít có cơ hội việc làm, nên khi được làm việc họ sẽ dồn hết tâm sức. Trong khi đó những người lành lặn hơn thường có tâm lý đứng núi này trông núi nọ và hay không thỏa mãn với công việc hiện tại. Còn với NKT, nếu doanh nghiệp tin tưởng và tạo cơ hội, họ sẽ cố gắng hết mình để không làm doanh nghiệp phải thất vọng”. Nguyễn Trọng Đại (ĐH Công nghiệp HN, bị khuyết tật chân) khẳng định: “NKT không phải là đối tượng cần cưu mang mà là những lao động đầy tiềm năng. Vì thế, tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn. Cần phải có những cách đối xử bình đẳng, bình đẳng trong những việc làm cụ thể như tạo điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với khiếm khuyết của họ: lối đi tiện lợi cho những người dùng xe lăn, bàn làm việc thấp hoặc ghế cao để họ tiện sử dụng khi ngồi làm việc... Chủ doanh nghiệp có thể bố trí cho họ những công việc phù hợp và không thường xuyên phải đi công tác xa”. Bản thân NKT cũng cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để tự trang bị cho mình kỹ năng và chuyên môn cần thiết, đồng thời, cần xóa bỏ những mặc cảm tự ti và dám khẳng định bản thân mình. Với những người lành lặn không làm việc này thì có thể làm việc khác để mưu sinh, nhưng với NKT, điều đó quả là một thử thách lớn. Chẳng hạn, cử nhân sư phạm không thể là nhân viên phát triển thị trường, cử nhân công nghệ thông tin không thể là công nhân đứng máy, người khiếm thị không thể đi giao hàng, người khiếm thính không thể trực tổng đài và NKT vận động không thể làm bảo vệ... Cơ hội nghề nghiệp đối với NKT thường rất mỏng, họ chỉ có thể làm một số công việc đặc thù phù hợp với dạng tật của mình. Vì vậy ngay từ khi chọn ngành nghề học, họ đã phải tính đến khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp. Xã hội ngày càng phát triển, vị thế của NKT đang ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhiều NKT đã kiếm được việc làm và tự nuôi sống bản thân. Nhưng con số này vẫn còn rất ít ỏi, cần sự chung tay hơn nữa của cộng đồng và các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội để thực sự quan tâm với vấn đề việc làm của NKT, cần xây dựng những kế hoạch, chương trình hoạt động thường niên và dài hạn nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm cho NKT. Tạo điều kiện cho NKT có việc làm không chỉ là ứng xử có văn hóa, thể hiện đạo lý của người Việt “thương người như thể thương thân” mà còn thể hiện một xã hội văn minh, công bằng và không kỳ thị với NKT. Quỳnh Hoa Nguồn: baomoi |