Hiện nay, tìm được một công việc làm có thu nhập ổn định đã là điều khó khăn đối với nhiều người. Nhưng với người khuyết tật thì tìm việc làm còn khó khăn gấp bội lần. Có rất ít người khuyết tật có thể tìm được việc làm và càng ít hơn về vốn
và nguồn lực để người khuyết tật có thể tự mình kinh doanh. Đa phần, họ lâm vào tình trạng bế tắc về kinh tế do không có việc làm (ngay cả đối với người khuyết tật có trình độ cao như cao đẳng hay đại học). Bên cạnh đó, họ còn bị một số công ty trá hình, công ty ma dùng thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, công sức lao động. Điều này khiến những người khuyết tật lâm vào cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tệ hại hơn cả, họ bị mất đi niềm tin và hy vọng vào chính bản thân. Nhà nước ta đã ban hành bộ luật Người khuyết tật Việt Nam với những điều khoản ưu đãi dành cho người khuyết tật. Nhưng mọi người vẫn còn có cái nhìn kỳ thị, thương hại, thiếu thiện cảm và thiếu tin tưởng đối với người khuyết tật; vì thế, rất ít các công ty, cơ sở, xí nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Tác giả viết bài báo này cảm thấy chạnh lòng khi nghe một mẩu tin thông báo tuyển dụng trên truyền hình như sau: “Chúng tôi cần tuyển... độ tuổi… trình độ… ngoại hình không có dị tật khiếm khuyết…”. Tôi nghe mà cảm thấy nhói lòng. Tôi không phủ nhận có một số công việc người khuyết tật không thể làm được và khả năng làm việc hạn chế so với người bình thường. Nhưng những câu nói, những hành động định kiến, phân biệt đối xử như trên vẫn diễn ra hằng ngày trong xã hội. Người khuyết tật cũng có nhu cầu thiết yếu như người bình thường. Một trong những nhu cầu đó là có công việc ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình, có cuộc sống vật chất tương đối khá. Trên thực tế, đa số người khuyết tật là những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tương lai của họ thường phải phụ thuộc vào người khác. Chính vì thế, họ sống khép kín, cam chịu với suy nghĩ mình là gánh nặng của mọi người. Họ thậm chí chấp nhận, chịu đựng những tổn thương do chính ngay người thân mình vô tình hay cố ý gây ra. Có không ít trường hợp người khuyết tật suy nghĩ bi quan, lệch lạc, bất mãn, thậm chí có tư tưởng tìm đến cái chết với mong muốn được giải thoát cho mình và gia đình. Những điều đó càng làm những người cùng cảnh ngộ như tôi xót xa vô cùng. Mặc dù đã có những chính sách ưu đãi về việc làm cho người khuyết tật, nhưng trên thực tế có rất ít cơ quan xí nghiệp, cơ sở sản xuất giúp đỡ thực hiện đúng chính sách của Nhà nước với người khuyết tật. Họ thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu, bỏ qua tính cộng đồng, nhân văn, không tạo cơ hội và quyền bình đẳng để người khuyết tật có việc làm ổn định, giúp họ hòa nhập với cuộc sống một cách tự tin. Cũng đứng trên phương diện khách quan, nhìn nhận có một số ít người khuyết tật có cách sống ỷ lại, tự cho mình cái quyền đòi hỏi những quyền lợi không chính đáng gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, làm ảnh hưởng rất xấu đến cách nhìn của các nhà tuyển dụng với người lao động là người khuyết tật. Vì vậy, người khuyết tật càng gặp khó khăn hơn khi muốn tìm kiếm việc làm. Tôi viết bài này với một trăn trở, khi trò chuyện tâm sự với những người bạn đồng cảnh ngộ với mình: “học + không có đầu ra = 0”. Đó là lời nói chán nản của một người bạn tôi trong cuộc trò chuyện. Tôi mong trong tương lai gần, người khuyết tật sẽ nhận được sự giúp đỡ thiết thực hơn nữa từ các ban ngành đoàn thể trong xã hội, như hỗ trợ vay vốn kinh doanh sản xuất, giới thiệu và nhận người khuyết tật vào làm việc trong công ty, xí nghiệp, giúp đỡ giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người khuyết tật làm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế. Có như vậy thì những sản phẩm đó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhằm góp phần ổn định thu nhập, giúp động viên khuyến khích nghị lực cho người khuyêt tật vươn lên trong cuộc sống. Và người khuyết tật chúng tôi cũng phải có ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Có như thế chúng ta mới xóa dần đi cái nhìn thiếu thiện cảm, định kiến, thương hại và không tin tưởng mà nhiều người trong xã hội dành cho người khuyết tật. “Đem cho con cá không bằng đem cho cần câu cá”. Mong rằng người khuyết tật chúng ta sẽ nhận được chiếc cần câu từ tay cộng đồng và xã hội và sử dụng thật tốt chiếc cần câu để cuộc sống ngày càng ổn định, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh như lời Bác Hồ đã dạy. Đinh Thị Hoàng Loan |