Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Hội quán “Đời rất đẹp” sẻ chia với người khuyết tật
07:24, 01/12/2010

Tập hợp gần 100 thành viên gồm nhiều thành phần, có người là họa sĩ, có người là giáo viên, có người đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người đang chờ đợi đi du học ở nước ngoài, nhưng tất cả đều chung một ước muốn: giúp người khuyết tật,

đặc biệt là trẻ khuyết tật vượt lên số phận, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng.

Cũng từ đây, không ít thân phận tưởng chừng đi vào ngõ cụt của cuộc đời đã từng bước tìm lại niềm vui sống. Địa chỉ ấy là Hội quán "Đời rất đẹp" của DRD (Chương trình khuyết tật và phát triển của trường Đại học Mở TP HCM) tại 91/6N Hòa Hưng, quận 10, TP HCM.

Chia sẻ yêu thương

Sáng cuối tuần, Hội quán "Đời rất đẹp" đã ríu ran tiếng cười trẻ nhỏ. Dưới sự hướng dẫn của các sinh viên, họa sĩ, hàng trăm thanh thiếu niên trong đủ tư thế, miệt mài với đám mực màu, vẽ rồi xóa, xóa rồi vẽ trên những viên gạch men trắng. Chìa bức vẽ đen trắng hình trái đất và đám trẻ nắm tay nhau vui đùa, cô bé Trần Thái Yên Thục vui vẻ "khoe": Nó có tên "Chúng ta là bạn" vì em muốn tất cả mọi người, dù là người bình thường hay bị dị tật cũng đều coi nhau là bạn bè. Yên Thục kể rằng em là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học dân lập Quốc tế. Lần trước, Thục được mẹ đưa đến đây sinh hoạt, thấy vui nên lại đòi đến tham gia tiếp…

Không giống Yên Thục, Lê Hoài Yến Linh đã gần 20 tuổi, song trí tuệ vẫn chỉ như một bé gái lên 5. Chị Tôn Thị Kim Liên, mẹ của Yến Linh cho biết, từ gần 1 năm nay, hai mẹ con vẫn vượt cả chục kilômet từ Bình Thạnh đến hội quán cho Yến Linh tham gia sinh hoạt cùng các bạn. Nhà có 4 anh chị em, chỉ có Yến Linh thiểu năng trí tuệ, lại là con út. Từ nhỏ, không nơi nào chịu nhận Yến Linh vào học. Mấy bà mẹ như chị tập hợp lại thuê giáo viên về dạy, kinh phí đắt đỏ, cũng chỉ được một thời gian. Khi nghe có chương trình dành cho người khuyết tật của DRD chị mừng lắm. Mỗi tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, sáng sáng chị đều cặm cụi chở con đến hội quán, trưa đến chở về. Thấy con có vẻ hoạt bát lên, cả nhà đều mừng…

Thực ra, trừ một số trường hợp dị tật đặc biệt: khuyết tay phải vẽ bằng chân, thiểu năng trí tuệ, phần nhiều, khó có thể phân biệt được đâu là trẻ khiếm thính, đâu là trẻ bình thường. Tình nguyện viên Nguyễn Thị Lệ Hằng cho biết: Sân chơi này thực ra là cuộc thi vẽ "Bảy sắc cầu vồng" của DRD dành cho cả trẻ khuyết tật lẫn trẻ bình thường. Đây là một trong những nỗ lực của DRD nhằm giúp trẻ khuyết tật xóa đi mặc cảm, sống hòa nhập tốt hơn. Tuy nhiên, chiếm phần lớn và được ưu tiên hơn vẫn là trẻ khuyết tật đang được gia đình hoặc các đơn vị xã hội từ thiện nuôi dưỡng. Toàn bộ các thành viên, từ ban tổ chức đến các "thầy, cô" đều là những tình nguyện viên, đến với các em bằng tấm lòng và trái tim yêu thương như một sự sẻ chia.

Lệ Hằng kể rằng cô vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật TP HCM, hiện đang chờ ngày hoàn tất thủ tục để qua Nhật Bản du học. Hơn một năm trước, Hằng tình cờ biết đến DRD nên đến đăng ký làm tình nguyện viên. Với các trẻ khuyết tật, Hằng có cảm tình đặc biệt bởi mới cách đây 3 năm, cô đã từng liệt nửa người sau một ca tai nạn giao thông. Gia đình nghèo, nỗ lực lắm cô mới đậu đại học, không những một trường mà cả 3 trường.

Khó có thể kể hết cảm giác tuyệt vọng của cô gái trẻ khi các bác sĩ khuyên gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Sau này Hằng may mắn vượt qua cơn thập tử nhất sinh song chuỗi ngày nằm bất động trên giường bệnh, cảm giác cô đơn, bất lực khi phải trông chờ bàn tay chăm sóc từng chút của mọi người thì Hằng không bao giờ quên. Cô đến với các trẻ em tại hội quán cũng như là một cách trả ơn đời vậy.

Nỗ lực vì một môi trường sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Đỗ Thị Hoàng Yến, người chủ trì chương trình, Giám đốc DRD kiêm sáng lập Hội quán "Đời rất đẹp" cho biết thêm: Cùng với các sân chơi tương tự "Bảy sắc cầu vồng", hiện tại DRD còn có khá nhiều chương trình khác dành cho người khuyết tật như thư viện sách, tham vấn cộng đồng, giúp đỡ người khuyết tật, đặc biệt là mức độ nặng tìm việc làm phù hợp, phát huy khả năng, hòa nhập với cuộc sống. Riêng câu lạc bộ của các tình nguyện viên trực thuộc DRD có gần 100 người đăng ký tham gia, trong đó, hoạt động thường xuyên có khoảng 40 người.

Bên cạnh các đối tượng biết thông tin, tự tìm đến, DRD thường có các chương trình tham vấn cộng đồng hiệu quả tại các bệnh viện. Việc các thành viên chọn điểm đến là bệnh viện cũng có nhiều lý do song quan trọng nhất là tại đây thường nhiều bệnh nhân hay bị sốc, trở nên bi quan trước cuộc sống, thậm chí tìm đến cái chết khi bất ngờ từ người bình thường chuyển thành người khuyết tật chỉ sau một sự cố nào đó, rất cần sự xuất hiện chia sẻ kịp thời của các tình nguyện viên.

Cho đến hôm nay, khó có thể kể hết những người từng nhận được sự giúp đỡ, đã tìm lại niềm tin vào cuộc sống, vượt qua khó khăn, không những tự chăm lo cho bản thân mà còn lập gia đình, có công việc, thu nhập ổn định. Một số trở về quê hương bản quán nhưng vẫn không quên những người bạn cũ, vẫn thư từ liên lạc về thông báo tình hình. Một số khác có điều kiện thì tiếp tục chung tay góp sức giúp đỡ, sẻ chia với những người đồng cảnh. Tất cả chỉ nhằm một mục tiêu: Biến ước mơ về một môi trường sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, giúp những người khuyết tật phát huy khả năng, giá trị của bản thân, sống có ích cho xã hội


Ngọc Nguyễn
Nguồn: CAND Online


Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới