Tại lớp học đặc biệt của chị Liền, những đôi tay xinh của các học trò đang miệt mài thêu từng đường kim, mũi chỉ lên từng tấm lụa. Chị Liền cười trong nước mắt: “Các con của chị đấy. Những đứa trẻ đã không may mắn khi sinh ra trên cuộc đời này đã bị khuyết tật, nhưng trái tim không hề khuyết tật…”.
Sau hơn 10 năm ấp ủ dự định, đến tháng 8-2009, chị Nguyễn Thị Liền và gia đình (tổ 51 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã thực hiện được ước mơ là xây dựng một cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật: Công ty TNHH một thành viên Thanh Ngọc Minh do chị Liền làm giám đốc. Đầu năm 2011, UBND TP Đà Nẵng đã bố trí hai lô đất liền kề với giá ưu đãi trên đường Bùi Dương Lịch để chị có điều kiện xây dựng cơ sở.  Chị Nguyễn Thị Liền và các em đang thêu áo dài. Tại công ty, cũng là nhà riêng, ngôi nhà gần xây xong, đang ngổn ngang hoàn thiện, vậy nhưng, gia đình chị đã dành hẳn diện tích phía dưới làm lớp học tập, may thêu cho các em. “Sau khi vay được vốn ngân hàng, chúng tôi sẽ mở rộng thêm quy mô hoạt động, chiêu sinh thêm học viên”, chị cho biết. Là người có nghề thêu khá vững, chị được Hội chữ thập đỏ TP Đà Nẵng mời về dạy nghề miễn phí cho các em tại Trung tâm Hướng nghiệp – Từ thiện. Bắt đầu nuôi giấc mơ từ thiện từ năm 2003, chị đã mạnh dạn chia sẻ với gia đình. Được gia đình ủng hộ, chị nhận về hai em khuyết tật và dạy các em nghề thêu ngay tại nhà. Trước khó khăn, không ít lần chị nản lòng, muốn vứt bỏ. Mười năm cho một dự định giúp đỡ người khuyết tật, chị Liền không ít lần khóc vì thấy nhiều cảnh ngộ đáng thương, nhiều hoàn cảnh éo le không thể giúp được. Người học trò đầu tiên của chị, hiện là thợ thêu chính, trợ giảng cho các lớp học nghề của công ty là em Trần Thị Hoa Măng. Măng về với chị từ Trung tâm hướng nghiệp – Từ thiện của Hội chữ thập đỏ TP. Là học trò khá xuất sắc của chị trong những năm qua, Măng nhỏ nhẹ nói về người thầy của mình: “Em biết ơn cô Liền vì đã truyền dạy cho em tất cả những kiến thức thêu. Có tay nghề vững, em mong mình sẽ đứng vững được trong cuộc đời”. Từ Măng, đến bây giờ, chị Liền có bảy học trò khuyết tật, có hơn hai mươi nhân công cũng là người khuyết tật. Đây là những học viên mà chị đã lặn lội đến từng nhà, từng xóm để “vận động” học nghề. Học trò của chị bây giờ xem công ty là nhà và cô Liền như mẹ ruột. Các em đều là trẻ khuyết tật bẩm sinh, câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Trong nỗi bất hạnh của cuộc đời, đôi khi các em bị gia đình ruồng bỏ, họ hàng xem như một “người bệnh”, vậy nên khi được về học nghề và được cô Liền “trả lương”, tất cả đều đã tìm thấy mục đích sống của cuộc đời. Các em đã kiên nhẫn học thêu, một nghề rất khó, vượt qua mặc cảm tật nguyền để bằng đôi tay và trái tim, làm nên những sản phẩm có ích cho đời. Hằng ngày các em vừa học thêu tranh, vừa làm túi xách, tấm chà chân…Mỗi em đều có một hoàn cảnh, một nỗi đau riêng nhưng điều mà tôi ngạc nhiên nhất là nụ cười luôn nở trên môi. Sản phẩm các em cất công đôi khi nửa năm, một năm để hoàn thành đã được chị Liền bán với giá từ hai đến mười lăm triệu. Số tiền bán được phần để chi phí cho nguyên liệu, phần trả lương cho các em và nuôi các em cơm ăn hàng ngày. Trong số các học viên đặc biệt của chị Liền, có hai em đã nên duyên vợ chồng và “bà” Liền đã có thêm một đứa cháu ngoại. Các em sống trong một mái nhà đầy ắp tình yêu thương, nhân ái. Chị Liền nói rằng, điều mà chị muốn dành cho các em ngoài một việc để làm, còn là cái mục đích hướng thiện . Bức tranh thêu cảnh làng quê Việt Nam “Khúc hát thanh bình”, một doanh nghiệp mua tại phiên đấu giá “Vì người nghèo” trong dịp Tết Nhâm Thìn với giá 220 triệu đồng, chị chỉ giữ lại sáu triệu đồng, còn lại đóng vào quỹ vì người nghèo Đà Nẵng. Chị Liền tâm sự: “Mình và các em không có tiền làm từ thiện, thì mình dùng sản phẩm làm từ thiện. Bức tranh đó gửi gắm tất cả tình yêu thương của các em đối với đất nước Việt Nam, là thông điệp về ý chí, tài năng của người khuyết tật”. Nặng lòng với trẻ khuyết tật, chị đã coi bảy học viên như con đẻ của mình, đặc biệt là em Nguyễn Đại Dương. Hạnh phúc nhất là giờ đây, Dương đã tự đi lại được trên đôi nạng, không phải ngồi xe lăn như hồi mới về ở với chị. Dương quê ở Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, khi sinh ra đã bị bại liệt hai chân, do hoàn cảnh đẩy đưa, cả bố và mẹ đều bỏ em lại với bà nội rồi đường ai nấy đi. Lớn lên, Dương được bà nội gửi về Trung tâm Hướng nghiệp – Từ thiện TP Đà Nẵng, và em đã gặp được mẹ Liền. “Mình thương em Dương hơn cả con đẻ, bởi em quá thiệt thòi. Dương thêu rất giỏi, nhưng em muốn được học một khóa sửa vi tính để có thể xin việc làm, còn nghề thêu, dù rất giỏi nhưng không ai nhận người khuyết tật vào làm cả. Chỉ sợ khi mình không còn, cuộc đời cháu rồi sẽ ra sao. Mong có nhà hảo tâm nào đó nhận đỡ đầu cho Dương” – Nói đến đây, chị Liền bật khóc. Dương cũng ngừng thêu và lặng yên nhìn ra khoảng trời trước mặt. Dương xúc động: “Về đây với mẹ Liền và gia đình này, em thấy mình thật may mắn vì nhận được quá nhiều tình yêu thương”. Là mô hình tạo công ăn việc làm điển hình tại Đà Nẵng, nhiều đoàn công tác từ thiện đến thăm cơ cở của chị Liền, nhiều người hứa giúp đỡ các em nhưng rồi không trở lại. Chị không buồn, lại cố gắng tìm đơn đặt hàng mang về cho các em làm. Với chị Liền, sống trong cuộc đời này, lòng nhân ái không bao giờ mất. Giúp cho người cũng chính là giúp cho mình. Theo nhandan.com.vn |