Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Thầy giáo đặc biệt viết truyện cổ tích trên đồi cát
14:01, 25/04/2012
altTôi cũng có hoàn cảnh không may mắn nên tôi rất thông cảm và thương tụi nhỏ. Tôi đã nghĩ rất nhiều, bằng cách nào đó giúp những đứa trẻ  này thành người có ích cho xã hội. Phải cảm hóa được những tâm hồn trẻ thơ, cho chúng hướng tới cái thiện …' - Người thầy khiếm thị này tâm sự.

Cú ngã thuở ấu thơ đã vĩnh viễn lấy đi ánh sáng đôi mắt của cậu bé Nguyễn Phước Thiện. Tưởng chừng cuộc sống đã vô vị nhưng với quyết tâm không đầu hàng số phận, cậu bé cố sức học thành tài và trở thành người thầy giỏi, người con hiếu thảo.

Ngoài những lúc phụng dưỡng mẹ già, thầy giáo khiếm thị này vượt 400 km mỗi tuần ra tận TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đem lại ánh sáng tri thức cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ - một cổ tích được chính người thầy giáo đặc biệt đó đã dệt nên giữa đời này.

Nghị lực phi thường của cậu học trò khiếm thị

Vào một buổi chiều giữa tháng 4/2012, chúng tôi tìm đến nhà cũng là lớp học của thầy giáo mù Nguyễn Phước Thiện (SN 1974) tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật phường 1, quận 3, TP.HCM. Khi tìm tới được nơi ở của thầy Thiện, chúng tôi không hỏi ngỡ ngàng căn hộ chung cư chật hẹp nhưng hết sức ngăn nắp, gọn gàng.


Ở giữa phòng chính là kê bàn lớn có nhiều ghế để cho các em học sinh ngồi. Phía bên trong có dàn máy vi tính và máy móc là phương tiện giảng dạy của thấy Thiện; trên những bức tường cạnh đó có treo hàng chục tấm bằng khen được treo trang trọng.

Nguyễn Phước Thiện kể, anh là con duy nhất trong một gia đình nghèo. Bố mất sớm, cậu bé sống với mẹ đẻ.  Tuy gia đình khó khăn nhưng mẹ vẫn tạo mọi điều kiện cho con có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, được vui chơi và cắp sách tới trường.

Nhưng niềm an ủi của mẹ không được như mong muốn, đến năm 9 tuổi thì Thiện bị ngã, chấn thương ở mắt và bong võng mạc mắt. Lúc này bà Hồ Thi (mẹ đẻ của Thiện) đã bán gia sản để chạy chữa cho con nhưng không có có kết quả, đôi mắt của Thiện đã bị mù hoàn toàn.

Nhiều đêm hai mẹ con Thiện chỉ biết ôm nhau khóc. Cũng từ đó ước mơ quý giá nhất đối với cậu bé là được nhìn thấy ánh sáng, nhưng đó chỉ còn là trong mơ. Khi bị tai nạn, Thiện đã phải nghỉ học gần 2 năm.

Mẹ của cậu không muốn con đi học vì đôi mắt không còn nhìn thấy gì. Nhưng mơ ước được đến trường, biết chữ, nghe thầy cô giảng bài luôn thôi thúc Thiện. Cậu đã khóc xin mẹ để được cắp sách tới trường.

Chiều lòng đứa con không may mắn, bà Thi cho con đi học lớp chữ nổi tại trung tâm dành cho người khiếm thị Bừng Sáng. Khi hoàn thiện chương trình chữ nổi, không vào học trường dành cho người khiếm thị mà Mẹ của cậu phải chạy vạy khắp nơi để xin cho Thiện vào học trường bình thường.

alt 

Lớp học đồng thời cũng là nơi thầy Thiện giảng dạy trực tuyến qua mạng Internet

Cuối cùng, thầy Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP.HCM) cũng đồng ý cho cậu học trò 'cá biệt' này nhập học với cam kết “không được đòi hỏi bất cứ sự ưu tiên nào.

Học cùng với những người bình thường, Thiện phải nỗ lực hết mình để có kết quả tốt. Người thầy khiếm thị này tâm sự:

'Khi bị bệnh, tôi luôn nghĩ làm mọi cách để không phải là gánh nặng cho mẹ nên lúc nào tôi cũng cố gắng hết sức mình. Thời đó ngành giáo dục cũng chưa thực sự phát triển nên tôi không có điều kiện để học chữ nổi như bây giờ.

Trước khi vào lớp, tôi lại nhờ bạn đọc giúp sách cho để khi cô giáo giảng bài thì mới tiếp thu kịp kiến thức. Gánh trái cây của mẹ đã nuôi tôi lớn khôn. Thương mẹ, tôi quyết tâm học tập thật giỏi…'. Nhiều đêm Thiện ngồi học bài say sưa đến gần sáng, mẹ lặng lẽ đứng phía sau rơi lệ vì thương con.

Thế rồi, cái nghề giáo đến với Thiện rất tình cờ. Hồi học lớp 11, cả lớp đã phục tài học Anh văn của cậu học trò khiếm thị này nên đã nhờ chỉ bài giúp. Được vài buổi thấy Thiện giỏi và giảng bài dễ hiểu nên mọi người bỗng dưng gọi cậu bằng thầy dù lúc đó mới có 16 tuổi.

Bằng nỗ lực và ham học vượt qua số phận nên 17 tuổi, cậu học trò Thiện đã thi đậu bằng C tiếng Anh. Năm 1989, khi học hết cấp 3, thấy mình có duyên với nghiệp “gõ đầu trẻ” nên Thiện quyết định thi vào Đại học Sư phạm và đậu khoa tiếng Anh, trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên của trường.

Sau 4 năm miệt mài, cậu sinh viên khiếm thị đã tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Thầy giáo khiếm thị đã không đi xin việc ở bất kỳ nơi đâu mà đã tìm đến những mái ấm tình thương để tình nguyện dạy tiếng Anh cho học sinh có số phận không may mắn như mình.

Sau nhiều năm dạy học ở các trung tâm từ thiện, thầy Thiện đã mở 6 lớp học ngay tại nhà mình. Đây là một lớp học “hiện đại”, bảng đen được thay thế bằng màn hình máy tính, trước mắt mỗi em học sinh là một chiếc micro nhỏ, xung quanh căn phòng này có đầy đủ hệ thống loa, amply, máy ghi âm... và trong giờ học giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Bất ngờ hơn khi biết được trong số học trò của người thầy khiếm thị này, không ít người đang ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc học trực tuyến qua mạng. Những em có hoàn cảnh khó khăn, là đoàn viên, hay đi công tác xã hội, làm từ thiện thì thầy giảm 50% học phí, còn những người tu hành thì miễn phí hoàn toàn.

alt 

Thầy Thiện cùng mẹ trong buổi lễ tuyên dương “Người con hiếu thảo” cấp TP.HCM vào năm 2010.

Học trò của thầy ngoài những em nhỏ còn có một số sinh viên và người lớn tuổi đã đi làm. Vì vậy thầy Thiện cũng thường xuyên dẫn học sinh đi dã ngoại, đi thăm trung tâm dưỡng lão, trại cô nhi... để các em tìm hiểu rõ hơn về công tác cộng đồng, để ở đó các em cảm nhận được những người có hoàn cảnh khó khăn nhằm rèn luyện bản chất hướng tới cái thiện.

Xây “lâu đài” trên cát

Cách đây 3 năm, trong 1 lần đưa các học sinh đi tham quan và thực tế để giao thiếp với người nước ngoài ở Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), thầy Thiện đã gặp những em nhỏ thất học làm nghề cho thuê ván trượt cát.

Tuy không nhìn thấy, nhưng trực tiếp nghe những đứa trẻ chửi thề, thường hay móc túi, đánh lộn tranh giành khách với nhau. Thầy tâm sự, các em còn nhỏ đã phải mưu sinh, cha mẹ thì đi biển cả tuần, thậm chí cả tháng mới về nên không có thời gian chăm sóc dễ sa vào thói hư tật xấu. Theo anh, những đứa trẻ đó thật đáng thương hơn là đáng trách.

Sau chuyến đi thực tế ở Bình Thuận về, nhiều đêm người thầy khiếm thị này không ngủ được, luôn trăn trở lo cho tương lai các em nghèo vùng biển kia.

Sau nhiều ngày trăn trở, thầy Thiện đã quyết định ra TP.Phan Thiết mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ với mong muốn mang chút vốn kiến thực của mình dạy cho các em để bước vào đời vững tin hơn.

'Tôi cũng có hoàn cảnh không may mắn nên tôi rất thông cảm và thương tụi nhỏ. Tôi đã nghĩ rất nhiều, bằng cách nào đó giúp những đứa trẻ  này thành người có ích cho xã hội. Phải cảm hóa được những tâm hồn trẻ thơ, cho chúng hướng tới cái thiện…' - Người thầy khiếm thị này tâm sự.

Cứ thứ 7 hàng tuần, người thầy khiếm thị giàu lòng nhân ái lại khăn gói lặn lội thuê xe ôm ra ga Sài Gòn đón tàu đi ra Mũi Né dạy chữ, tối chủ nhật lại đón tàu về Sài Gòn. Mắt không nhìn thấy gì, thầy Thiện đã đi quãng đường gần 300 km mở lớp dạy tiếng Anh giao tiếp và dạy những kiến thức thực tế xã hội ở độ tuổi các em cần biết.

Dưới cái nắng gắt trưa hè, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi hay những ngày mưa gió đã không làm thầy nản chí vận động từng em đi học. Thấy người thầy mù lại nhiệt tình nên một số người dân địa phương trong khu vực đã vận động trẻ em đi học và cho mượn nhà để làm lớp học.

Lớp học tình thương của thầy Thiện cũng hết sức đặc biệt, không có bàn ghế, bảng đen, phấn trắng, chỉ có đồi cát đầy nắng và gió, đa số là dưới một gốc cây. Lớp học 'du mục' này học trò quần áo nhem nhuốc lam lũ ngồi bệt dưới sân dõi mắt nghe thầy giảng từng câu, từng chữ.

Còn thầy giáo mượn bậc cửa làm bục giảng. Tiếng thơm mỗi lúc một đồn xa, chỉ hơn một tháng lớp học 'đặc biệt' này có tới hơn 100 em tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau tìm đến xin học. Nhớ lại ngày đầu ra Phan Thiết dạy học, thầy Thiện kể lại:

'Lúc đầu tôi nghĩ mắt không nhìn thấy gì, đường xá xa xôi nên cố gắng ra đó dạy các em 2 tháng những câu Anh văn giao tiếp cơ bản để thuận tiện cho việc nói chuyện với người nước ngoài và có thể sẽ tốt cho công việc các em, nhưng sau mỗi buổi dạy tôi cảm thấy thương các em nhiều hơn. Vì vậy tôi hứa với bản thân cô gắng hết mình để dạy các em càng nhiều càng tốt'.

Thương thầy đi một mình vất vả, 1 cậu học trò đã tình nguyện đồng hành cùng thầy. Chi phí mỗi chuyến gồm 2 thầy trò, ăn ở tại ở đất Bình Thuận 2 ngày cũng hết 3 triệu đồng nhưng vì tâm huyết nên hai thầy trò tự túc.

Với lòng nhiệt huyết thương các em nhỏ nơi đây nên thầy Thiện vẫn duy trì đều đặn từ hơn gần 3 năm nay. Cũng từ lúc có thầy giáo Thiện 'gieo con chữ' tới vùng đất nắng và cát này thì các em đã ngoan hơn, có ý thức, nhất là biết sống hy sinh cho người khác.

Nghe lời thầy, các em không còn chèo kéo, trộm cắp, móc túi... du khách tới Mũi Né mà thay vào đó là sự thân thiện của những đứa trẻ nơi đây với bằng tiếng Anh dõng dạc. Điều đó đã làm cho những người khách du lịch không khỏi ngỡ ngàng vì những đứa trẻ nghèo, ăn mặc rách rưới lại có thể nói tiếng Anh tốt đến như vậy.

Không chỉ có tấm lòng trong công tác xã hội, ở nhà thầy Thiện còn là một tấm gương hiếu thảo với người mẹ già 65 tuổi. Mẹ thường bị đau ốm, mỗi khi trái gió trở trời thầy Thiện lại ngồi bóp tay, đấm lưng cho mẹ.

'Cuộc đời tôi bất hạnh khi mất đi đôi mắt, nhưng may mắn có mẹ. Cả cuộc đời này không ai tốt, hy sinh và hiểu tôi bằng mẹ. Mẹ là ánh sáng cuộc đời tôi…' - nói đến đây, thầy nghẹn ngào.

Để minh chứng lòng hiếu thảo, năm 2010 thầy Nguyễn Phước Thiện được trao tặng bằng khen 'Người con hiếu thảo' cấp thành phố. Khi tôi đến, bà Thi cười hạnh phúc: 'Có thể Thiện không bằng những người khác nhưng đối với tôi, Thiện là niềm hạnh phúc không gì sánh được của tôi. Tôi  rất tự hào về con…'.

20 năm qua anh đã dạy cho bao nhiêu học trò, nhưng chắc chắn rằng anh - người thầy khiếm thị ấy - đã có rất nhiều ảnh hưởng đến các em nhỏ, bởi nghị lực sống, tình thương, niềm tin yêu vào cuộc sống tương lai.

Vũ Bình

Nguồn : Phụ Nữ Today

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới