Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Cần sự chủ động từ các bên
20:12, 03/12/2010

Doanh nghiệp nên quảng bá thông tin rộng rãi hơn, đồng thời người khuyết tật cũng cần chủ động tìm đến với công việc phù hợp với khả năng.Mong muốn lớn nhất

của người khuyết tật (NKT) là có công việc phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe. Điều đó không chỉ giúp NKT xóa bỏ rào cản tâm lý mặc cảm, được tham gia đầy đủ vào cộng đồng,

mà còn góp phần ổn định cuộc sống cá nhân của họ.Trên tất cả, cơ hội có việc làm đối với NKT giúp họ tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, được sống và làm những việc có ích đối với bản thân, với người thân và cả cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, NKT vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Phần lớn NKT có việc làm không ổn định, chủ yếu do họ tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở kinh doanh mang tính nhân đạo, từ thiện dành riêng cho NKT, tập trung vào một số nghề như may, thêu, đan, thủ công mỹ nghệ. Rất ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lớn với những công việc đòi hỏi nhiều chất xám hơn.

Trong khi đó, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo dành hàng trăm tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề cho NKT mỗi năm. Cả nước có hàng trăm cơ sở dạy nghề nói chung và cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nói riêng. Nhưng, theo đánh giá của nhiều người, với chương trình đào tạo hiện nay, NKT chỉ tạm biết việc chứ chưa thể sống bằng nghề được đào tạo.

Ước mơ khó thành hiện thực

Bạn Phan Sơn Hương

Phan Sơn Hương, sinh năm 1985, ở Quảng Trạch (Quảng Bình) đang theo học khóa đào tạo lập trình 1 năm dành riêng cho NKT tại trường Trung cấp Công nghệ thông tin Hà Nội (73 Nguyễn Chí Thanh) do Mỹ tài trợ. Mặc dù được miễn phí 100% tiền ăn ở, đi lại, giáo trình… nhưng Hương vẫn lo lắng bởi thời gian 1 năm trôi qua rất nhanh mà kiến thức tiếp thu được chủ yếu từ giáo viên giảng trên lớp chưa thể giúp Hương thuần thục với nghề.

Giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, được phát miễn phí cho các học viên, nhưng sau gần 2 tháng nhập học vẫn mới coong, chỉ xếp vào một góc bởi khả năng đọc hiểu tiếng Anh của các học viên rất hạn chế. Ngoài việc tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các giảng viên, nghề lập trình đòi hỏi mỗi học viên muốn tiến xa hơn phải tự học từ sách vở, từ những người trong nghề, nhưng điều đó với Hương rất khó thực hiện.

Thường xuyên truy cập vào các trang web giới thiệu việc làm để tìm được công việc trong một công ty, doanh nghiệp nào đó theo kiểu vừa học vừa làm sau khi kết thúc khóa học, để tiếp tục nuôi mơ ước trở thành một lập trình viên trong tương lai nhưng dường như mơ ước đó quá xa vời đối với Hương.

“Hiện tại em vẫn chưa nghĩ ra hướng đi nào, nhưng nếu không còn con đường nào khác, em sẽ trở về quê để tiếp tục gắn bó với công việc sửa chữa điện thoại”, Hương tâm sự.

Bạn Nguyễn Thị Hiền

Cùng chung tâm trạng với Hương, Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1987, ở Sơn Tây, sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán của Học viện Ngân hàng, ngoài giờ học, Hiền dành nhiều thời gian lên trang web tìm thông tin việc làm. Tuy nhiên Hiền cho biết, có rất ít thông tin tuyển dụng NKT vào làm ở các cơ quan, doanh nghiệp lớn; những công việc khác dành cho NKT như may vá, đan lát, thêu thùa… lại không phù hợp với sở thích cũng như những kiến thức Hiền được học. Mong muốn được làm việc đúng sở thích và khả năng, Hiền mơ ước: “giá mà các doanh nghiệp, cơ quan đó dành một vài chỉ tiêu cho NKT”.

Thực tế, Điều 34, 35 Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII (ngày 29/6/2010) quy định, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn sản xuất, được ưu tiên cho thuê đất… phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, để NKT và doanh nghiệp gặp được nhau, Hiền mong muốn doanh nghiệp quảng cáo rộng rãi hơn để NKT có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Việc đi lại đối với NKT còn khó khăn, trở ngại, do đó, để tiếp cận được các thông tin việc làm là không dễ dàng. Mặt khác, NKT cần chủ động tìm đến với doanh nghiệp, tìm đến với công việc phù hợp với khả năng của bản thân, không thể cứ ngồi một chỗ đợi doanh nghiệp mời vào làm.

NKT và doanh nghiệp chưa gặp nhau

Trung tâm Dạy nghề cho NKT, người chưa có việc làm (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và NKT Việt Nam) có địa chỉ tại Khu tập thể đá quý, đường Trung Văn, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội chuyên về nghề may và ghép tranh đá quý. Đơn hàng nhiều, nên thường xuyên Trung tâm phải tuyển dụng thêm lao động, đặc biệt là NKT vẫn còn khả năng lao động. Bà Ngô Thị Tâm, cán bộ tuyển dụng của Trung tâm chia sẻ, cứ tuyển được NKT nào Trung tâm đều đào tạo đại trà, sau 4-6 tháng, lựa chọn người có khả năng làm việc để giữ lại. Tuy nhiên, để tuyển dụng được NKT không phải dễ dàng, lý do duy nhất là họ chưa biết đến Trung tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm

Công ty CP-XD thương mại dịch vụ Hải Dương chuyên dạy nghề và sản xuất gia công hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, thêu ren xuất khẩu có trụ sở tại phố Chương Dương, thành phố Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn về lao động làm việc trong Công ty. Chị Minh Hoàn, cán bộ tuyển dụng của công ty cho biết, những NKT vẫn còn khả năng lao động, cứ đến mùa vụ họ lại xin nghỉ việc để lo chuyện đồng áng cho gia đình, thế nên Công ty luôn ở trong tình trạng thiếu lao động.

Khẳng định mô hình do người khuyết tật tự tổ chức, các cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đang có hiệu quả cao, nhưng Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cũng thừa nhận thực tế có rất ít lao động là NKT học ở các trường chính quy được tuyển vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp lớn. Thực tế đó xuất phát từ đặc thù của công việc, yêu cầu làm việc, cũng như sức khỏe của NKT không phù hợp. “Từ thực tế này, việc tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các mô hình phù hợp với NKT cả trong học nghề và tạo việc làm là rất cần thiết” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh./.

> > Đảm bảo an sinh cho người khuyết tật
> > Cần đánh giá đúng người khuyết tật để hỗ trợ hiệu quả
> > Doanh nghiệp vẫn “ngại” nhận người khuyết tật

Thanh Hà

Nguồn: vovnews

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới